Năm nay, tỉnh ta thành lập 17 hội đồng coi thi đặt tại 15 trường THPT và 2 trường THCS thuộc 6 huyện, thành phố (huyện Thuận Nam không có hội đồng thi). Toàn ngành đã huy động 942 cán bộ giáo viên tham gia công tác coi thi, trong đó có 715 là giám thị coi thi. Thanh tra công tác coi thi gồm 49 người, trong đó thanh tra lưu động và trực thi: 8 người, thanh tra cắm chốt tại 17 hội đồng coi thi là 41 người.
Các em học sinh phấn khởi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Trong tổng số 6.232 thí sinh đăng ký dự thi, có 5.415 thí sinh hệ giáo dục phổ thông và 817 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, tỉnh ta có 5 hội đồng thi ghép hệ giáo dục phổ thông với giáo dục thường xuyên đặt tại các trường: THPT Bác Ái (huyện Bác Ái), THPT Trường Chinh (huyện Ninh Sơn), THPT chuyên Lê Quý Đôn, THCS Trần Hưng Đạo và THCS Trần Phú (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm). Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, Sở GD&ĐT đã thực hiện hoán đổi các chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng coi thi và 100% giám thị. Ngoài 715 giám thị chính thức, Sở cũng đã huy động 85 giám thị dự phòng để luôn đảm bảo bố trí đủ 2 giám thị/phòng thi và một số giám thị ngoài phòng thi theo sơ đồ vị trí khu vực thi của từng hội đồng.
Buổi sáng thi môn Ngữ văn, theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 18 thí sinh vắng thi (10 thí sinh hệ THPT và 8 thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên), trong đó có em Đỗ Thị Tây Thi, học sinh Trường Phổ thông iSchool Ninh Thuận chết vì bệnh ung thư trước ngày thi và 1 thí sinh tại Hội đồng coi thi Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ninh Phước bị bệnh đột xuất phải nhập viện trước giờ thi.
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Chu Văn An chuẩn bị bước vào thi môn Ngữ văn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn là 120 phút, nhưng chưa hết giờ làm bài một số thí sinh đã ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái. Đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần: Phần đọc hiểu (3 điểm): đề thi trích dẫn đoạn văn trong bài viết “Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước” của tác giả Nguyễn Thế Hanh, đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại, số 116, ra ngày 15-5-2014 và yêu cầu thí sinh: Nêu những ý chính của văn bản; xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản; viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện trên. Phần làm văn (7 điểm) yêu cầu thí sinh “Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba” trong đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ; từ đó trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.
Em Nguyễn Ngọc Tuấn, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: Em rất thích cả 2 vấn đề mà đề thi đưa ra, đặc biệt là phần đọc hiểu đề cập đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong phần lãnh hải nước ta. Đây cũng là vấn đề mà học sinh chúng em đang quan tâm, thường xuyên cập nhật thông tin và tìm hiểu vì vậy em tự tin làm bài khá tốt.
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chuẩn bị bước vào thi môn Vật lý.
Ảnh: Văn Miên
►Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, chiều ngày 2-6, các thí sinh tiếp tục dự thi 2 môn tự chọn: Vật lý thời gian làm bài 60 phút và Lịch sử thời gian làm bài 90 phút. Buổi chiều thời tiết trên địa bàn tỉnh mát mẻ là điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham dự tốt kỳ thi.
Môn Vật lý, tỉnh ta có 2.154 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó Hội đồng thi Trường Nguyễn Trãi (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) có số lượng thí sinh dự thi môn Vật lý cao nhất: 311 thí sinh và Hội đồng thi Trường THPT Phan Bội Châu, huyện Thuận Bắc, có số thí sinh dự thi thấp nhất với 7 thí sinh.
Nhận định về đề thi môn Vật lý, thầy giáo Trần Quốc Tuấn, giáo viên Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước cho rằng: “Đề thi ra bám sát chương trình học nhưng có khó hơn các năm trước, trong đó có 1- 2 câu khó nhằm phân loại học sinh. Học sinh khá nếu ôn tập tốt thì có thể đạt 7-8 điểm”.
Em Thành Thị Văn, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, dự thi tại Hội đồng coi thi Trường THCS Trần Phú cho biết: “Em thấy đề thi năm nay không quá khó nhưng nếu muốn làm bài tốt thì phải ôn tập kỹ, bám sát chương trình học và hệ thống ôn tập của giáo viên. Vì là môn thi tự chọn nên em làm bài tốt và cũng tự tin về bài làm môn của mình”.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT, buổi thi môn Vật lý toàn tỉnh có 6 thí sinh vắng thi, trong đó hệ giáo dục phổ thông vắng 3 thí sinh và hệ giáo dục thường xuyên vắng 3 thí sinh.
Học sinh Trường THPT Ninh Hải phấn khởi thực hiện tốt bài thi môn Lịch sử vào chiều ngày 2-6.
Lịch sử là môn thi thứ 2 trong buổi chiều cùng ngày và cũng là môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất. Toàn tỉnh có 455 thí sinh đăng ký dự thi trong đó có 2 Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du, huyện Ninh Sơn và Trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ninh Hải chỉ có 2 thí sinh dự thi. Thầy giáo Đặng Duy Quốc, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Ninh Phước cho rằng: “Đề thi môn Lịch sử rất hay vì vừa bám sát chương trình học vừa có sự kết hợp được lịch sử trong nước và thế giới, không yêu cầu học sinh phải nặng về khả năng ghi nhớ sự kiện, đồng thời có thể kiểm tra được khả năng nhận định của học sinh về tình hình thời sự trong nước hiện nay”.
Bước ra từ phòng thi với tâm trạng thoải mái, em Đạt Nhứt Phương, học sinh Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước cho biết: “Em vốn thích học Lịch sử và vì là môn thi tự chọn nên cũng đã ôn tập rất kỹ. Em đã hoàn thành bài thi của mình rất tốt và nghĩ rằng đề không quá khó, đặc biệt ở câu 3b, có phần liên hệ về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay theo em là rất có ý nghĩa, đây chính là cơ hội để học sinh chúng em được thể hiện suy nghĩ và khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Môn Lịch sử có 2 thí sinh vắng thi đều thuộc hệ giáo dục thường xuyên. Kết thúc ngày thi thứ nhất, toàn tỉnh không xảy ra trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Công tác coi thi tại tất cả 17 hội đồng đều diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Sáng ngày 3-6, thí sinh tiếp tục thi môn Toán với thời gian 120 phút; chiều thi môn Hóa học thời gian 60 phút và môn Địa lý thời gian 90 phút. Báo điện tử Ninh Thuận tiếp tục cập nhật thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Tp. Phan Rang – Tháp Chàm: Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là địa phương có nhiều hội đồng coi thi nhất: 6 hội đồng thi với 3.142 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 3 hội đồng thi ghép thí sinh hệ giáo dục phổ thông với giáo dục thường xuyên. Ngoài học sinh của các trường THPT và trung tâm đóng trên địa bàn thành phố, tại Hội đồng thi Trường THCS Trần Phú có 133 thí sinh là học viên của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp Ninh Phước.
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Tháp Chàm tranh thủ trao đổi bài trước khi vào phòng thi.
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo và Kiểm tra các kỳ thi cấp tỉnh năm 2014 và đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT đã đến dự lễ khai mạc và phát biểu động viên các thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi. Đây là hội đồng coi thi có số lượng thì sinh đông nhất tỉnh với 29 phòng thi và 679 thí sinh, trong đó có 12 thí sinh tự do, còn lại là học sinh của trường. Ngoài 2 môn thi Toán và Ngữ văn, hội đồng coi thi tại Trường THPT Nguyễn Trãi có thí sinh dự thi đủ cả 5 môn tự chọn, trong đó Lịch sử là môn thi có ít thí sinh nhất: 28 thí sinh/phòng thi.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở tất cả các hội đồng coi thi trên địa bàn thành phố đều được thực hiện nghiêm túc. Không có thí sinh nào đến trễ khi đã tính giờ làm bài, tuy nhiên vẫn có trường hợp thí sinh đến nhầm hội đồng thi và đến địa điểm thi khi đã sát giờ phát đề.
Huyện Ninh Hải: Toàn huyện Ninh Hải có 856 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với 37 phòng thi tại 3 Hội đồng coi thi Trường THPT Tôn Đức Thắng (Tân Hải), Trường THPT Ninh Hải (Khánh Hải) và Trường THPT Phan Chu Trinh (Nhơn Hải). Đây là năm đầu tiên, Hội đồng thi được thành lập tại các trường THPT Tôn Đức Thắng và Phan Chu Trinh.
Có mặt tại Hội đồng thi trường THPT Tôn Đức Thắng, chúng tôi gặp em Lê Thị Nhã Uyên, lớp 12 A1 chia sẻ: “Sáng nay em thức dậy rất sớm, chuẩn bị bước vào kỳ thi. Em vững tin với những kiến thức học được trong thời gian qua sẽ làm tốt bài thi”.
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Tôn Đức Thắng tranh thủ xem lại bài môn Ngữ Văn.
Ảnh: Minh Khai
Thầy Ngô Tấn Chuyển, Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi Trường THPT Tôn Đức Thắng cho biết: " Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, chúng tôi đã dặn dò kỹ các em chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, quan trọng là không được quên mang theo các giấy tờ cần thiết. Đồng thời, nhắc nhở thực hiện đúng quy chế thi và động viên các em bình tĩnh, làm tốt bài thi".
Tại Thuận Bắc: Sáng sớm ngày 2-6, tại hội đồng thi Trường THPT Phan Bội Châu có 97 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Thầy giáo Lê Sỹ Tuyên, Phó Chủ tịch hội đồng thi Trường THPT Phan Bội Châu cho biết: Để đảm bảo kỳ Tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chúng tôi đã bố trí lực lượng công an, bảo vệ, các cán bộ coi thi ở các vị trí then chốt. Trước khi bước vào môn thi đầu tiên, hội đồng thi đã quán triệt lại cho thí sinh về quy chế thi, nhắc nhở các em có mặt tại địa điểm thi đúng giờ để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Thí sinh của Trường THPT Phan Bội Châu trao đổi bài thi môn Ngữ Văn.
Ảnh: Phạm Lâm
Sau 120 phút làm bài, các thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Em Đồng Thị Kim Thi, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Phan Bội Châu phấn khởi nói: Trước khi vào phòng thi, em hơi lo lắng và hồi hộp. Nhưng khi giám thị phát đề, em thấy thoải mái hẳn vì đề thi năm nay không khó, cũng không thách đố thí sinh. Em làm xong bài khi thời gian còn 10 phút. Hy vọng kết quả sẽ được như ý!
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong buổi thi đầu tiên, tình hình an ninh trật tự tại hội đồng thi Trường THPT Phan Bội Châu được đảm bảo. Không khí bên ngoài địa điểm thi nghiêm túc, ổn định. Chiều nay các thí sinh tiếp tục thi 1 trong 2 môn tự chọn gồm Vật Lý với thời gian 60 phút và Lịch sử với thời gian 90 phút.
Huyện Ninh Phước: Sáng ngày 2-6, huyện Ninh Phước có 1.115 thí sinh tự tin, phấn khởi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, toàn huyện có 3 Hội đồng coi thi gồm 48 phòng thi. Các Hội đồng thi đều đảm bảo công tác an ninh trật tự, y tế cũng như quán triệt quy chế thi, đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Thầy giáo Đỗ Văn Thoại, Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Ngay từ sáng sớm các phụ huynh và học sinh tập trung đông đủ tại điểm thi. Năm nay, nhà trường đón 370 thí sinh đến từ 2 trường THPT Nguyễn Huệ có 213 thí sinh và Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam) có 157 thí sinh. Cán bộ coi thi động viên, tạo tâm lý thoải mái giúp các em bình tĩnh, tự tin bước vào kỳ thi quan trọng này”. Đúng 7 giờ sáng, tất cả thí sinh vào phòng thi nghe phổ biến quy chế. Trước cổng trường, nhiều phụ huynh thấp thỏm, lo lắng đợi con. Chị Trần Thị Lan ở thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná chia sẻ: “Do nhà ở xa, nên từ hôm 31-5, tôi đã đến thuê trọ gần trường thi, giúp cháu đi lại thuận tiện, đảm bảo sức khỏe để kỳ thi đạt kết quả tốt nhất”.
Các em học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi đầu tiên.
Ảnh: Mỹ Dung
Kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều thí sinh khá thoải mái vì đề môn Ngữ văn không quá khó. Em Phan Thị Kim Lam, học sinh Trường Nguyễn Văn Linh chia sẻ: “Nhìn chung cấu trúc đề thi môn Văn năm nay thoáng hơn những năm trước. Đặc biệt, em rất thích câu kiến thức xã hội về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, câu hỏi dạng mở, “đánh thức” em về sự trách nhiệm, lòng yêu nước đối với Tổ quốc”.
Huyện Bác Ái: Sáng 2-6, thí sinh huyện miền núi Bác Ái nô nức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Khoảng 6h30 sáng, thí sinh đã có mặt đông đủ tại Trường THPT Bác Ái để nghe Hội đồng thi phổ biến quy chế trước khi bước vào phòng thi. Năm nay, huyện Bác Ái có 223 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 130 thí sinh hệ THPT và 93 thí sinh hệ GDTX.
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Bác Ái chuẩn bị làm bài thi môn Ngữ văn.
Thầy Nguyễn Cảnh Thái, Chủ tịch Hội đồng coi thi cho biết: “Công tác chuẩn bị và tổ chức cho thí sinh học tập quy chế thi được HĐCT triển khai theo đúng quy định. Chúng tôi quan tâm nhắc nhở về giờ thi để hạn chế việc các em đến muộn”. Theo ghi nhận của chúng tôi, buổi thi đầu tiên diễn ra tại điểm trường THPT Bác Ái có 3 thí sinh bỏ thi (2 thí sinh hệ THPT và 1 thí sinh hệ GDTX), công tác thi và coi thi diễn ra nghiêm túc, an toàn. Nói về môn thi Ngữ văn năm nay, em Đa Rúi Chà Thiêng (xã Phước Bình) cho biết: “Đề thi năm nay có câu hỏi về biển đảo em thấy rất hay, tuy nhiên đề cũng hơi dài so với thời gian làm nên em cũng chưa tự tin về bài làm lắm”.
Huyện Ninh Sơn:
Sáng ngày 2-6, gần 800 em thí sinh huyện Ninh Sơn tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Kỳ thi năm nay, huyện Ninh Sơn có 3 Hội đồng coi thi với 34 phòng thi gồm: Trường THPT Nguyễn Du có 269 thí sinh, 12 phòng thi; Trường THPT Trường Chinh có 384 thí sinh, 16 phòng thi và Trường THPT Lê Duẩn có 145 thí sinh, 6 phòng thi. Có mặt tại Trường THPT Trường Chinh, theo ghi nhận của chúng tôi sau buổi thi đầu tiên không khí trao đổi của thí sinh khá sôi nổi về đề thi Ngữ văn năm nay bởi có câu hỏi liên quan đến vấn đề biển đảo.
Thí sinh Trường THPT Trường Chinh (huyện Ninh Sơn) trao đổi bài buổi thi môn Ngữ văn.
Ảnh: Nguyễn Sơn
Em Nguyễn Thị Phương Thảo học sinh lớp 12 T5 cho biết: “Mặc dù thời gian làm bài năm nay có ngắn hơn với mọi năm nhưng theo em nghĩ vẫn đủ để các bạn hoàn thành bài nếu có chuẩn bị. Câu hỏi về biển đảo năm nay em cũng như các bạn đều thấy khá hay nhưng cũng hơi bất ngờ”.
Thầy giáo Lương Văn Lân, Chủ tịch HĐCT Trường THPT Trường Chinh cho biết: “Hầu hết các thí sinh đều đã được phổ biên các quy chế và nhắc nhở trước khi bước vào môn thi nên công tác thi, coi thi của giám thị diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy định. Năm nay, là năm đầu tiên các em thi môn tự chọn để tránh tình trạng các em quên giờ giấc môn thi mình đăng ký chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở và quán triệt nhiều lần cho thí sinh để tránh các tình trạng các em đến trể, ảnh hưởng đến chất lượng làm bài”.
Thầy giáo Lê Tám, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (Ninh Sơn) cho rằng: Theo tôi, đề thi môn Ngữ văn năm nay là vừa sức với học sinh và không nằm ngoài những điều các em được học trong kiến thức giao khoa và gắn chặt với tính thời sự xã hội. Nội dung của đề thi hoàn toàn đổi mới so với mọi năm. Thí sinh không có phần thi tự chọn mà bao gồm 2 phần là đọc hiểu và làm văn, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức nhà trường và cả sự thông hiểu kiến thức xã hội. Tôi cho rằng đề thi năm nay rất hay khi đưa ngay vấn đề về tình hình Biển Đông vào phần “Đọc hiểu” và đặt ra câu hỏi về suy nghĩ của bản thân để cho học sinh thể hiện thái độ, trách nhiệm của mình trước Tổ quốc. Ở phần làm văn, đề ra cũng tích hợp được khả năng nghị luận văn học và nghị luận xã hội của học sinh. Từ việc phân tích khát vọng nhân vật hồn Trương Ba trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ, học sinh phải trình bày suy nghĩ của mình về nhu cầu "được sống là chính mình". Đây là dạng đề mở, cho học sinh tư duy theo cách hiểu của mình nhưng phải tuân theo chuẩn mực đạo đức của xã hội. Để có một bài làm đạt yêu cầu, đòi hỏi khả năng tư duy, lập luận phải sắc bén, chính vì vậy, đề thi này có tính phân loại học sinh khá cao.
Nhóm phóng viên