Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố kết quả nghiên cứu phân vùng bão: dự báo cấp gió bão mạnh nhất, mức nước biển dâng cao nhất có khả năng ảnh hưởng đến từng khu vực ven biển nước ta làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại do bão.
Ảnh minh họa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xây dựng bản đồ ngập lụt ở vùng ven biển, cửa sông theo các kịch bản nước dâng do bão, lũ làm cơ sở cho việc quản lý quy hoạch bố trí dân cư và xây dựng sơ tán dân cư trong các tình huống bão, lũ; cập nhật, điều chỉnh các quy định, hướng dẫn neo đậu phương tiện, tàu thuyền thuộc lĩnh vực quản lý để chủ động ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan bổ sung, điều chỉnh các quy định, hướng dẫn về xây dựng công trình, nhà ở theo phân vùng bão và điều kiện thiên tai ở từng vùng để tùy theo điều kiện cụ thể người dân có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro thiên tai khi đầu tư xây dựng công trình, nhà cửa; phân loại nhà ở, công trình hạ tầng đảm bảo an toàn hoặc không đảm bảo an toàn phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư, hướng dẫn chằng chống nhà cửa khi bão xảy ra bão mạnh, siêu bão.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ phân vùng bão, bản đồ ngập lụt, các địa phương cập nhật, điều chỉnh phương án phòng, tránh, ứng phó, nhất là phương án sơ tán dân cư để chủ động triển khai thực hiện khi tình huống bão mạnh, siêu bão xảy ra.
Đồng thời kiểm soát quy hoạch, xây dựng công trình, nhà ở tại các khu vực ven biển, cửa sông để hạn chế rủi ro thiên tai; đối với công trình, nhà ở hiện có trong khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thấp trũng sát ven biển, cửa sông cần chủ động rà soát, chỉ đạo thực hiện phương án bảo đảm an toàn.
Xây dựng phương án chủ động ứng phó
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án chủ động ứng phó, đảm bảo cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả, nhất là trong tình huống siêu bão.
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, chủ động ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành để hạn chế thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2014, số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông khoảng 10-12 cơn, ở mức xấp xỉ so với giá trị trung bình nhiều năm (TBNN). Số lượng bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng 4-5 cơn, thấp hơn so với TBNN.
Hoạt động của bão, ATNĐ trong năm 2014 tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường, cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc bão, ATNĐ ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, năm 2014, bão và ATNĐ xuất hiện sớm ở Biển Đông. Vì vậy, trong mùa mưa, bão, lũ năm 2014, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần chủ động đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn trong thời đoạn ngắn gây lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên.
Nguồn www.chinhphu.vn