“Trẻ em như búp trên cành”

(NTO) Những năm qua, mặt dù còn nhiều khó khăn nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, qua đó đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cả về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Xã hội, nhà trường và gia đình quan tâm chăm lo cho trẻ em phát triển toàn diện. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 99,8% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể, số trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được đi học mẫu giáo đạt gần 63%, trong số này riêng trẻ em 5 tuổi đạt tỷ lệ gần 96%; tỷ lệ huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi đạt gần 100%...

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, giáo dục và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tái hoà nhập cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực. Đa phần trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc, được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên trong cuộc sống. Các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được lồng ghép chặt chẽ và được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn nhiều khó khăn do nhận thức của các gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được loại bỏ thậm chí có cả người thân trong gia đình dùng bạo lực đối với trẻ em. Mặt khác, còn không ít gia đình chỉ chú trọng việc làm ăn kinh tế, chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái. Hay nói khác hơn, tình trạng thiếu trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái còn khá phổ biến. Đó là chưa nói đến tình trạng thiếu hiểu biết về luật pháp bảo vệ trẻ em, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em, vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị lạm dụng sức lao động và xâm hại… xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay có nhiều nội dung thiết thực, cụ thể nhằm huy động sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân đối với đối tượng trẻ em còn nhiều khó khăn trong xã hội. Qua đó, kêu gọi, vận động toàn xã hội cùng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng tham gia xây dựng cuộc sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em.

Lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Trẻ em như búp trên cành”, cho nên cần phải nâng niu, cần dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em- mầm non tương lai của đất nước. Nhân Tháng hành động vì trẻ em mong rằng các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình; vận động xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.