Các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục bày tỏ lập trường, đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về tình hình Biển Đông

Các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục bày tỏ lập trường và đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Mỹ sẵn sàng đáp trả hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 28/5 đưa ra cảnh báo trước các hành vi
khiêu khích của Trung Quốc. (Ảnh: NHK)

Trong một phản ứng được xem là “mạnh mẽ” nhất kể từ khi tình hình trên Biển Đông diễn biến căng thẳng sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: Mỹ sẵn sàng đáp trả các hành vi “gây hấn” của Trung Quốc với các láng giềng trong khu vực.

Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Học viện quân sự West Point, New York (Mỹ), ngày 28/5, ông Obama đã để ngỏ khả năng can dự quân sự của Mỹ vào một số điểm nóng trên thế giới, trong đó có Biển Đông – nơi mà nhà lãnh đạo này cho rằng, đang diễn ra những hành vi “khiêu khích” mà không bị kìm hãm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng lưu ý rằng “bất kỳ một quyết định nào về sử dụng vũ lực cũng cần thận trọng”.

Ông Obama nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước Đông Nam Á tiến hành đàm phán với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Nhà lãnh đạo này khẳng định, Mỹ và các nước khác đang hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề này thông qua luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lo ngại nguy cơ Trung Quốc sử dụng vũ lực trên Biển Đông

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại trước khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Ông Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước ASEAN nhằm bảo đảm rằng, luật pháp sẽ được tôn trọng trong giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng leo thang như hiện nay.

“Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông thông qua sử dụng vũ lực. Chúng tôi sẽ hợp tác với các nước ASEAN để khẳng định rằng luật pháp quốc tế phải được tôn trọng” - ông Abe nói. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đã nhiều lần đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước các hành động hung hãn và nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Wall Street Journal, ông Abe khẳng định việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là nguyên nhân khiến tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời khẳng định lập trường rõ ràng của Tokyo rằng “không bao giờ dung thứ cho những hành vi thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng chế”, mà trái lại, luôn mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Dư luận quan ngại các hành động đơn phương của Trung Quốc đang cản trở tiến trình thông qua COC

Trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản bày tỏ lập trường, nhận định về những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông thì báo chí quốc tế tiếp tục có những bài viết tỏ rõ quan ngại trước những hành động ngang ngược, đơn phương của Trung Quốc.

Tờ Kyodo News của Nhật Bản, ngày 28/5 đăng bài viết của tác giả Dario Agnote bày tỏ quan ngại rằng, những diễn biến gần đây cho thấy, triển vọng ASEAN và Trung Quốc có thể thông qua COC, nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông đang ngày càng trở nên mờ nhạt trong khi niềm tin giữa các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong khu vực lại “ngày càng bị xói mòn”.

Tác giả bài viết nêu rõ, trong thời gian trở lại đây, các nhà ngoại giao ASEAN đã bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi sớm thông qua COC. Phát biểu trong một sự kiện diễn ra ở Manila, Philippines hồi tuần trước, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng tin tưởng rằng, lập trường trên của ASEAN sẽ có tác động trong việc “tạo dựng một môi trường hữu ích” cần thiết để khởi động nhanh chóng các vòng tham vấn chính thức về COC. Tuy nhiên, ông Natalegawa cũng lưu ý tới vai trò của ASEAN trong việc hợp tác với Trung Quốc để có thể khởi động các vòng đối thoại.

Quan chức ngoại giao Indonesia cho rằng, những diễn biến gần đây trên Biển Đông là một ví vụ điển hình từ việc thiếu vắng vai trò của COC cũng như việc Trung Quốc đang tỏ ra không tuân thủ những cam kết đã đưa ra trong Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã được Bắc Kinh và ASEAN ký kết năm 2002.

Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Laura del Rosario cũng chia sẻ quan điểm của ông Natalegawa và cho rằng, những thay đổi cục diện gần đây đã làm phức tạp thêm các cuộc đối thoại. “Chúng ta vẫn chưa hành động đủ nhanh và đang có quá nhiều sự thay đổi đang diễn ra” – Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Laura del Rosario nói, đồng thời lưu ý rằng, các bên đã tốn quá nhiều thời gian mà vẫn chưa thể thông qua COC, thậm chí ngay cả sau khi Trung Quốc và ASEAN đã thảo luận về văn kiện này trong suốt 7-8 năm qua.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam