Dư luận quốc tế chỉ trích Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam

Trong vài ngày qua, vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Dư luận quốc tế thật sự lưu tâm và quan ngại trước những hành động nguy hiểm, làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông.

 
Tàu Trung Quốc đâm, va, tấn công bằng súng phun nước tàu kiểm ngư của Việt Nam
trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam (ảnh vtv.vn)

Ngày 28-5, trang điện tử CNBC (Mỹ) nêu quan điểm cho rằng, các báo cáo về việc tàu cá của Trung Quốc đâm chìm 1 tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông đã làm gia tăng quan ngại về những rủi ro địa chính trị tại châu Á, cũng như phản ứng của Bắc Kinh trước tình hình xung đột trong khu vực.

Trang tin dẫn lời nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Singapore - ông Richard Jerram - cho rằng, hiện vẫn khó để có thể đưa ra nhận định về những hành động này rồi sẽ đi đến đâu, song có một điều rõ ràng rằng, những “kiểu hành động này” sẽ để lại tác động tiêu cực.

Chủ tịch Viện Các vấn đề của quốc tế Australia - ông Colin Chapman - lại bày tỏ lo ngại cho rằng, quan hệ căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể sẽ tác động tới các hoạt động kinh doanh tại châu Á.

Ngày 27/5, tờ International Bussiness Times (Anh) có bài viết: “Trung Quốc phô trương sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông, đâm chìm tàu cá của Việt Nam”, trong đó nêu bật những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể từ sau khi chính quyền Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Dưới bài viết mang tiêu đề: "Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam", trang tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá, vụ việc là màn "đối đầu nghiêm trọng nhất" của hai nước kể từ năm 2007. Tờ Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho rằng, giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ cần tới một thời gian dài, chính vì thế, những gì có thể làm được hiện nay là các bên nỗ lực thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong đó quy định rõ điều gì được làm, điều gì có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được tại vùng biển này.

Tờ The Scotsman (Scotland) có bài viết: “Căng thẳng gia tăng trên Biển Đông” cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã trở nên căng thẳng sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan vào Biển Đông. Theo bài viết, tham vọng độc chiếm phần lớn Biển Đông đã đẩy Trung Quốc vào trạng thái xung đột với các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Ngoài ra, bài viết cũng lưu ý, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và cản trở các nỗ lực đàm phán để giải quyết các vấn đề liên quan.

Tờ The Scotsman dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino nêu rõ, chính quyền Manila đang theo dõi diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, để từ đó có thể đúc rút ra những bài học đúng đắn cho riêng mình. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang, bảo vệ bờ biển và các cơ quan chức năng của Philippines cũng đang tính toán tới những kịch bản có khả năng xảy ra với nước này, để từ đó cân nhắc tới những phản ứng phù hợp.

Khi đưa tin về sự kiện, tờ New York Times (Mỹ) nhận xét: Vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào Biển Đông ngày 1/5. Tờ báo dẫn lời ông Dennis J. Blasko, cựu quan chức quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá: Vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì có thể khiến tình hình tiếp tục gia tăng căng thẳng.

Trước đó, vào lúc 16h ngày 26/5, tàu cá Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNA 90152 của Việt Nam ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương - 981, cách 17 hải lý. Tại thời điểm xảy sự việc, có 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Cục phó Cục Kiểm ngư Việt Nam - ông Hà Lê - cho biết: Các tàu hải cảnh, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc vẫn tổ chức thành nhiều nhóm từ 8 đến 10 chiếc áp sát các tàu của Việt Nam nhằm vây ép, đâm va, phun nước. Những tác động này của các tàu Trung Quốc không có biểu hiện giảm khi tàu Việt Nam tiến cách giàn khoan từ 5 đến 6 hải lý.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam