Quốc hội thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

 Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền trình bày cho biết, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khẳng định sau 6 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Luật đã tạo điều kiện để mọi người lao động đều có thể tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội với việc bổ sung thêm hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện... đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng nhanh, đến nay đã có hơn 10,6 triệu người (tăng gần 1,6 lần so với 2006). Năm 2008 là năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện có 6.110 người tham gia, đến nay đã có 156.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); BHXH tự nguyện mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên trên thực tế thì số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do một số quy định chính sách chưa thật sự hấp dẫn, chưa có cơ chế để khuyến khích người lao động tham gia, công tác tuyên truyền để mở rộng đối tượng còn chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm, trong khi đó mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định còn thấp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH..

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH trình sửa luật ở nhiều điểm, trong đó có việc bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, nhóm đối tượng này sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2018 khi tổ chức BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH. Bổ sung đối tượng tham gia bảo BHXH bắt buộc là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp. Mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia.

Về nguyên tắc BHXH, sửa đổi mức đóng BHXH tự nguyện theo hướng bỏ quy định mức thu thập không thấp hơn mức lương tối thiểu chung nhằm hạ mức sàn đóng BHXH tự nguyện để tạo điều kiện có nhiều người hơn có khả năng tham gia.

Về chế độ thai sản, bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật.

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo luật quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng trước tiên từ năm 2016 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại. Cụ thể như sau, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

Luật cũng sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động theo hướng: đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên; đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; đối với người có đủ 15 năm trở lên (trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội) làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.

Về điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH, sửa đổi theo hướng đối với người tham gia BHXH từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo BHXH vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày cho thấy, về vấn đề tuổi nghỉ hưu, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phương án, đến năm 2031 (sau 15 năm) tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi. Loại ý kiến thứ hai đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động, đó là, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ hai và thấy rằng, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Hiện nay, Bộ luật lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Các ý kiến đánh giá thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được tăng cường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu lên những mặt còn hạn chế. Đó là một số dự án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không theo đúng tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều. Tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã giảm nhưng vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn hạn chế. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định nên ảnh hưởng đến tiến độ chung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như Chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) bức xúc về tình trạng một số dự án luật rất chậm, nhưng năm nào cũng báo cáo mà không sửa đổi. Tình trạng đưa luật vào chương trình rồi lại rút ra, mà lý do đưa vào, rút ra đều thuyết phục, tại sao mãi chưa khắc phục được. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, dân rất bức xúc về điều này. Đề nghị phải làm rõ, nêu đích danh những bộ ngành nào chậm, không quan tâm đến việc xây dựng luật. Nếu không truy rõ thì cứ kỳ này đến kỳ khác không chuyển biến được... Đại biểu Thuyền cũng đồng tình phải ưu tiên các luật mà thực tiễn đòi hỏi, không nên làm luật theo kiểu “xếp hàng” như hiện nay.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng, với tình trạng chậm, nợ đọng văn bản vẫn dai dẳng, đề nghị xem xét trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ này của các bộ ngành, trong đó có các Bộ trưởng. Nhân dân bức xúc Quốc hội ban hành nhiều luật nhưng chưa đi vào cuộc sống, nên Quốc hội cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ. Phải có chế tài nghiêm minh trong quá trình xây dựng và thẩm tra dự án luật để nâng cao chất lượng làm luật.

Nhiều ý kiến đề nghị cần đưa ra khỏi chương trình những dự án luật chưa thật sự cần thiết và ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2015 các dự án triển khai thi hành Hiến pháp. Trong đó, tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án quy định về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chỉ đưa vào Chương trình năm 2015 những dự án có thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế xã hội trong nước và thế giới có nhiều biến động, đặc biệt Hiến pháp mới được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh cần thiết phải điều chỉnh. Trong đó ưu tiên xây dựng các dự án luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Báo chí (sửa đổi) và những dự luật phục vụ cho tái cấu trúc nền kinh tế.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: Trong tình hình hiện nay mà lại bỏ ra và không làm hai dự luật về phát triển công nghiệp gắn với phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và luật về định chế công tư, thì không hiểu tái cấu trúc kinh tế, muốn xã hội hóa đầu tư thì dựa trên điều gì? Trước tình hình hiện nay vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ là vấn đề quyết định để chúng ta chuyển từ nền kinh tế gia công sang sản xuất, quyết định không lệ thuộc nước nào về linh kiện phụ kiện, nguyên liệu. Do đó cần phải được chú trọng.

Một số đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét xây dựng Luật Biểu tình để đưa vào kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9 bởi thời gian qua, nhiều cuộc tuần hành, tụ tập đông người luôn có nguy cơ bị lợi dụng để chống đối nhà nước, chế độ, gây nhiều hậu quả xấu, nghiêm trọng. Các đại biểu cũng cho rằng, cần hiểu việc biểu tình không phải chỉ là chống đối mà còn để bày tỏ sự ủng hộ. Theo đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) góp ý: Yêu cầu khách quan đòi hỏi thực tiễn phải xây dựng luật biểu tình để đáp ứng yêu cầu của nhân dân cũng như để quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Theo đại biểu Lê Nam, đây là dự án luật có yêu cầu cấp thiết, nếu ban hành được thì có lợi. Khả năng xây dựng luật và ban hành luật, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đại biểu Lê Nam đề nghị Quốc hội đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam