Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 24/5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện...

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2005, lĩnh vực nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng, giải quyết cơ bản được nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước bảo đảm an sinh xã hội. Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản sửa đổi, bổ sung đã tạo một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Luật Nhà ở hiện hành còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế và chưa thống nhất với một số luật liên quan. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), có rất nhiều điểm mới, bổ sung thêm các quy định để khẳng định quyền có chỗ ở và quyền bất khả xâm phạm về nhà ở của người dân; sửa đổi, bổ sung các quy định để hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở, cải thiện nhà ở, có điều kiện cải thiện nhà ở góp phần bảo đảm an sinh xã hội; mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài...để cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề nhà ở.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 179 Điều. So với Luật Nhà ở 2005 có 9 Chương với 153 Điều thì tăng thêm 4 Chương và 26 Điều.

Thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Nhà ở và các quan điểm xây dựng luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ; dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc…

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp thu, giải trình thêm những ý kiến còn khác nhau về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở; đối tượng được sở hữu nhà ở; về chính sách phát triển nhà ở; Việc cho thuê đất để xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội và đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; chính sách phát triển nhà ở công vụ; trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc phát triển nhà ở; quỹ phát triển nhà ở xã hội; thời hạn sử dụng nhà chung cư; mô hình hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư; thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Ban soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý hợp lý, xác đáng của Đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam