Người thầy hết lòng vì học sinh vùng cao

(NTO) Thầy giáo Dương Đăng Thục, Hiệu trưởng Trường TH Phước Bình A, được đồng nghiệp, học sinh quý mến vì luôn tận tuỵ với nghề, hết lòng vì học sinh vùng cao, là gương điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận năm 2002, thầy giáo trẻ Dương Đăng Thục tình nguyện lên miền núi Bác Ái công tác. Cuộc sống của giáo viên vùng cao khi đó tuy thiếu thốn nhưng thầy vẫn quyết tâm bám trụ, gắn bó lâu dài để mang con chữ đến với con em đồng bào dân tộc Raglai. Hơn mười năm công tác, hiện thầy đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng, kiêm bí thư chi bộ trường học.

Thầy giáo Dương Đăng Thục ân cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn của học sinh.

Ở cương vị nào, thầy giáo Thục cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, động viên giáo viên đoàn kết, dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Nhận thức sâu sắc về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thầy coi đó là nền tảng tư tưởng để rèn luyện bản thân, gắn liền công việc thường ngày bằng hành động, việc làm cụ thể; đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua của ngành: “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, thầy cùng tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH Phước Bình A luôn đưa ra nhiều cách làm hay, linh hoạt như điều chỉnh dạy học chính tả tập chép sang dạy chính tả nghe – viết ở lớp 2; tổ chức dạy học theo môn ở lớp 4; vận dụng mô hình trường học mới (VNEN) vào việc trang trí, tổ chức lớp học… Từ năm 2011 đến nay, trường thực hiện phân luồng đối tượng học sinh, tổ chức dạy kèm, phụ đạo cho những em yếu kém vào dịp hè. Thầy Thục đã vận động các thầy, cô giáo luân phiên giảng dạy 5 buổi/ tuần cho học sinh yếu kém thuộc hai khối lớp 4 và 5, tạo điều kiện ăn ở nội trú, vui chơi sinh hoạt tập thể vào buổi tối. Nhờ thế đã thu hút học sinh lên lớp đông đủ, kết quả học tập được nâng lên rõ rệt, góp phần duy trì sỹ số khi bước vào năm học mới, đảm bảo phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.

Thương học trò còn nhiều khó khăn, thầy Thục liên hệ bạn bè, người quen nhiều nơi, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ các em. Riêng năm học 2013 – 2014, nhà trường vận động 8,6 triệu đồng, 1.500 kg gạo, 256 chiếc áo ấm, hơn 100 công lao động sữa chữa cơ sở trường lớp, chăm lo bữa ăn cho con em trong hè. Đối với học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, mồ côi hoặc nhà ở rẫy xa trường, thầy giáo Thục còn vận động người dân hỗ trợ nguyên vật liệu, góp công sức dựng nhà sàn làm nơi ở cho các em thuận tiện việc học hành. Thầy Dương Đăng Thục chia sẻ: “Việc gì có lợi cho học sinh thì mình hết sức làm, càng yêu nghề bao nhiêu mình càng yêu học trò bấy nhiêu.”

“Người thầy thì cần phải rèn luyện cái tâm thật sáng, cái tài thật cao mới đảm nhận được công tác trồng người”, lời dạy của Bác Hồ khắc sâu trong tâm trí của người thầy Dương Đăng Thục đang miệt mài cống hiến vì tương lai thế hệ trẻ vùng cao.