Ngư dân chuyển nghề ra khơi xa khai thác hải sản

(NTO) Từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa Việt Nam, ngư dân tỉnh ta thể hiện quyết tâm bảo vệ ngư trường bằng cách chuyển nghề pha xúc sang nghề vây rút chì, nghề câu, ra khơi xa bám biển, khai thác hải sản..

Đi tiên phong trong chuyển nghề là anh Trần Minh Tuấn (thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, Thuận Nam). Hai chiếc tàu số hiệu NT90201TS và NT90209TS có tổng công suất 700 CV của anh trước đây làm nghề pha xúc ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, chủ yếu đánh bắt cá cơm.

Ngư dân Trần Minh Tuấn, thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm kể chuyện đánh bắt ở Trường Sa.

Sau một thời gian theo đàn cá nổi, anh nhận thấy làm nghề pha xúc tuy đạt sản lượng cao nhưng lợi nhuận thấp do cá tạp bán không được giá. Anh Tuấn, cho biết: Trị giá 10 tấn cá cơm chưa bằng 1 tấn cá thu, mực ống, trong khi có quá nhiều ngư dân làm nghề pha xúc nên ngư trường ngày càng cạn kiệt. Đã vậy, hộ làm nghề hằng năm phải đầu tư nâng cấp máy thủy mới để chạy đua kịp đàn cá rất tốn kém.

Nhận thấy nghề pha xúc ngày càng khó làm ăn, nên năm 2013 khi ngành Nông nghiệp triển khai Đề án “Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản” anh Tuấn đã đăng ký chuyển nghề pha xúc sang vây rút chì, câu cá ngừ, vươn ra khơi xa đánh bắt. Nhờ được nhà nước hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa”, đến nay anh đã có 2 chuyến ra vùng biển Trường Sa đánh bắt. Anh Tuấn, chia sẻ: Đánh bắt ở ngư trường Trường Sa rất nhàn hạ, không phải bon chen như nghề pha xúc. Sau 2 đợt ra Trường Sa đánh bắt vừa thăm dò tình hình tôi thấy đây là ngư trường giàu tiềm năng nên quyết định đầu tư mua thêm lưới cụ làm ăn lâu dài. Tôi đã “nạp đủ” nhiên liệu, đá lạnh lên hai chiếc tàu, huy động 24 thành viên “đi bạn” chuẩn bị nhổ neo hướng thẳng ra Trường Sa.

Ngư dân Nguyễn Văn Bông ở xã Phước Diêm đóng tàu công suất lớn
ra Trường Sa khai thác hải sản.

Ngoài anh Tuấn, mới đây ở xã Phước Diêm có thêm 6 chủ tàu chuyển từ nghề pha xúc sang nghề vây rút chì. Ngư dân Nguyễn Văn Bông có đội tàu 6 chiếc chuyên làm nghề pha xúc đánh cá nổi đã chuyển tàu NT901185TS sang khai thác vùng khơi xa, cho biết: Nghề pha xúc chỉ hoạt động có hiệu quả từ tháng 7 đến tháng 10, giai đoạn này biển xuất hiện nhiều cá cơm. Các tháng còn lại trong năm tàu chủ yếu nằm bờ rất lãng phí. Để tăng cường tần suất ra khơi của đội tàu, tôi đã chuyển 1 chiếc công suất 500 CV ra đánh bắt ở Trường Sa.

Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Toàn tỉnh có 2.660 tàu cá mỗi năm đánh bắt được khoảng 65.000 tấn hải sản. Sản lượng cao, nhưng cá nổi chiếm đến 70%, chỉ tiêu thụ trong nước, giá trị kinh tế thấp. Do đó, ngành Nông nghiệp khuyến khích ngư dân chuyển đổi cơ cấu nghề từ pha xúc sang vây rút chì, câu cá ngừ đại dương, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có 22 chiếc tàu công suất lớn tham gia khai thác biển xa, trong đó có 3 tàu của ngư dân xã Phước Diêm đã ra Trường Sa đánh bắt hải sản bước đầu có hiệu quả. Quan điểm chung của ngành Nông nghiệp là tổ chức lại nghề khai thác hải sản phải đảm bảo an toàn, ổn định, bền vững, khai thác một cách hợp lý nguồn lợi tự nhiên phù hợp với định hướng phát triển ngành; đồng thời, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh, trên từng vùng biển, tham gia cùng với lực lượng tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển.

Ngư dân khai thác ở vùng biển xa đang rất phấn khởi vì được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Theo Quyết định 48, tàu có công suất trên 400CV đánh bắt ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 được hỗ trợ nhiên liệu ở mức 75 triệu đồng/chuyến (mỗi năm tối đa 4 chuyến). Ngân hàng NN&PTNT cũng vừa mở gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay đóng mới, cải hoán tàu thuyền đủ điều kiện vươn ra khơi xa bám biển dài ngày. “Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho các đơn vị chức năng hướng dẫn ngư dân làm thủ tục sớm tiếp cận vốn ưu đãi, vận động chủ tàu đổi nghề, liên kết ra khơi. Nhân rộng tổ chức hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần, khai thác, vận chuyển đến thu mua, chế biến, tiêu thụ theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần trên ngư trường”- đồng chí Bùi Thị Anh Vân, cho biết thêm.