Đó cũng là một cách ông chuộc lại mọi lỗi lầm của mình và cầu an cho con cháu. Tôi vẫn nhớ như in gương mặt khắc khổ già nua của người đàn ông tuổi ngoài lục tuần và câu chuyện bi ai mà tôi đã gặp và nghe tại Trại Tạm giam Sông Cái, huyện Bác Ái cách đây gần 2 năm.
Ngày định mệnh
Ông bảo “Tôi nhớ lắm cán bộ à. Cái ngày định mệnh ấy đã khiến tôi, con tôi và hai đứa cháu tôi từ ngoài Bắc mới vào đã phải đeo án bước vào Trại giam.”
Gia đình ông kinh tế khá giả, ngoài việc trồng cà phê, làm ruộng, chăn nuôi, ông còn có thêm nghề tay trái là thầy thuốc nam chuyên chữa các chứng bệnh về xương khớp. Ông có đến mười người con nhưng đứa nào cũng được ông lo lắng chu toàn. Cuộc sống gia đình ông như thế là viên mãn. Ấy vậy mà, sự đời chẳng ai lường được chữ “ngờ”, chỉ vì mấy con gà lạc đường và một phút thiếu kiềm chế, ông và những người thân vướng vòng lao lý. Ông ngậm ngùi kể lại: “Nhà tôi nuôi nhiều gà, hôm ấy là vào buổi chiều ngày mùng 6 dương lịch, sau khi gà về chuồng, tôi kiểm tra thấy còn thiếu mấy con và đang lạc bên nhà hàng xóm. Tôi mới đi qua xin bắt lại được ba con, còn ba con, nghĩ trời tối nên tôi về và bảo vợ con sáng mai qua xin bắt nốt. Sáng hôm sau, vợ và con trai tôi qua xin bắt gà thì vẫn được hàng xóm cho bắt những con gà còn lại, nhưng sau khi bắt xong ra khỏi nhà thì vợ con tôi bị hàng xóm hô hoán là ăn trộm gà”.
Mâu thuẫn bắt đầu từ đây. Vốn là người điềm tính và cũng không muốn mất lòng nhau, ông liền bước ra hòa giải. Thế nhưng, khi thấy người nhà bị vu oan, hai đứa cháu của ông mới từ Bắc vào đòi đánh hàng xóm, con trai ông vì quá bức xúc nên đã mạnh tay ném chết mấy con gà quăng ra đường cho bỏ tức. Biết con cháu mình nóng giận, sợ rồi sẽ có chuyện không hay xảy ra nên ông hết sức khuyên can và rồi mọi việc cũng tạm ổn, ai đã về nhà nấy. Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó, buổi chiều cùng ngày, hàng xóm nhà ông đã kéo sang nhà cháu ông là Nghiêm Văn Dũng và Nghiêm Xuân Hải cách đó 50m để gây sự. Nghe tin dữ, ông vội vàng chạy qua can ngăn, song chính bản thân ông cũng bị người nhà hàng xóm vây bắt trói lại và đánh tới tấp. Hậu quả của trận đòn "thừa sống thiếu chết" ấy là ông bị gãy 5 xương sườn. Thấy cha và chú mình bị đánh, con trai ông là Trần Ngọc Lam cùng hai cháu là Nghiêm Văn Dũng và Nghiêm Xuân Hải đã dùng dao bầu xông vào đâm hàng xóm khiến 2 người bị thiệt mạng.
Bản án dài cho một gia đình
Mắt ông ngấn lệ, lời nói chứa đựng sự xót xa: “Sau cái ngày định mệnh ấy, gia đình tôi phải bán hết đất đai, ruộng vườn để khắc phục hậu quả với số tiền lên đến 400 triệu đồng. Phút chốc nhà tôi mất sạch, vợ con tôi phải bỏ nhà ở quê lên Bình Dương thuê nhà lay lắt sống tạm. Tôi đối mặt với mức án 10 năm tù giam, con trai tôi 17 năm, hai đứa cháu tôi một đứa án chung thân, một đứa án 15 năm. Như vậy có đau đớn không cán bộ?.”
Lãng tránh câu hỏi vô định của ông, tôi nhìn ra khoảng không gian mênh mông trước mặt. Khu trại giam K2 thuộc Trại giam Sông Cái – Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận gay gắt dưới cái nắng như đổ lửa. Bên trong hội trường, hàng trăm phạm nhân đang được xét đề nghị Chủ tịch nước đặc xá say sưa lắng nghe những bài học về pháp luật, kỹ năng sống, những bài học giáo dục công dân…để chuẩn bị cho ngày trở về. Bất giác tôi chợt nghĩ, người đàn ông này cũng phải học lại những bài học ấy cho sự tái hòa nhập cộng đồng của mình dù đã bước sang tuổi lục tuần vẫn không thừa. Bởi trong bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, con người ta vẫn có thể mắc phải sai lầm.
Khi được hỏi về cuộc sống sau khi ra Trại, ông Định chùng xuống “Tôi may mắn có được nghề thuốc nam chữa trị các chứng trật gân, bong gân, khớp…nên chắc là tôi lại theo nghề cũ để làm lại từ đầu”. Hỏi về con trai và hai đứa cháu, ông Định không giấu được sự thương cảm. Cả bốn cha con, chú cháu ông đều được đưa đến Trại giam Sông Cái này để học tập cải tạo. Hàng ngày lao động trong môi trường cải tạo này, ông vẫn thỉnh thoảng gặp gỡ con, cháu mình. Và tranh thủ những phút giây gặp gỡ hiếm hoi ấy, ông lại truyền cho con, cháu mình niềm tin vào cuộc sống, động viên chúng yên tâm lao động, cải tạo để sớm được đoàn viên. Tuy hiện nay, con ông đã chuyển về trại giam Đại Bình thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhưng ông vẫn tin tưởng con ông sẽ nghe lời của ông mà yên tâm cải tạo. Chúng sẽ noi gương phục thiện của ông để đến một ngày sẽ có được một kết quả như ông là sớm được hưởng chính sách khoan hồng đặc xá của Nhà nước để trở về. Giọng ông đầy tự tin: “Thằng Lam con tôi sẽ được vào mốc xét giảm án trong thời gian sắp đến. Thằng Hải thì cũng được xét giảm một lần. Riêng thằng Dũng án chung thân nên tâm lý của nó rất hoang mang và thất thường, hay vi phạm. Nhưng vừa rồi nhờ sự động viên bảo ban của cán bộ quản giáo, nó đỡ hơn và chuyên tâm cải tạo. Tôi nghe cán bộ nói nó được giảm xuống án số là 30 năm rồi. Đó cũng là một bước tiến cho nó phấn đấu. Nó sẽ phấn đấu 15 năm nữa, rồi nó sẽ có cơ hội trở về”.
Tôi vẫn nhớ như in lời tâm sự của ông “Ngày ra trại, tôi cũng mong vợ con lên đón nhưng vì đường xá xa xôi, đi lại vất vả nên tôi bảo để tôi tự về.”. Có lẽ suốt dọc quãng đường non 400 cây số từ Ninh Thuận về Bình Dương, ông Định sẽ khó mà xua được những cảm giác mừng vui, buồn tủi đan xen, sẽ khó mà xua tan những nỗi lo thường trực cho cuộc sống cơm áo gạo tiền đối với gia đình ông, nhưng hạnh phúc sẽ lại bắt đầu. Tôi tin như vậy.
Phạm Dung