Ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(NTO) Những ngày qua, mặc dù biển Đông đang ‘dậy sóng” bởi những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc, nhưng ngư dân huyện Ninh Hải không hề nao núng, lo sợ, vẫn quyết tâm ra khơi khai thác hải sản, bởi hơn ai hết họ ý thức được rằng, biển là nguồn sống và bám biểm là góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi đến thôn Khánh Hội (xã Tri Hải, Ninh Hải) đúng vào lúc ngư dân địa phương đang nhóm họp để bàn chuyện hiệp đồng chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thông báo kết quả đánh bắt chuyến ra khơi vừa qua và chọn giờ lành để ngày hôm sau cùng nhau vươn ra Biển Đông.

Ngư dân phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm
chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi đánh bắt xa bờ.Ảnh: Văn Miên

Khi được hỏi việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thêm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với chất giọng đặc quánh vị mặn của biển, anh Huỳnh Văn Phượng chủ tàu cá NT 90120 TS, khẳng khái: - Hành động hung hăng, thô bạo của Trung Quốc trên Biển Đông trong những ngày qua, càng khiến ngư dân chúng tôi càng quyết tâm bám biển hơn. Trong chuyến ra khơi lần này anh em chúng tôi xác định không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Cũng giống như ngư dân thôn Khánh Hội, những ngày này không khí chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới của ngư dân xã Thanh Hải đang gấp rút, khẩn trương hơn. Vừa cập Cảng cá Mỹ Tân sau chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày, anh Nguyễn Toàn, chủ 2 chiếc tàu công suất 370 CV tại thôn Mỹ Tân 1, chia sẻ: Những ngày qua dù tình hình trên biển Đông đang “nóng” lên nhưng tôi và các bạn thuyền vẫn ra khơi bình thường. Biển của mình thì mình khai thác chứ sợ gì ai!. Vì thế, tranh thủ bán xong cá lấy lương thực và nhu yếu phẩm là tàu chúng tôi lại tiếp tục ra khơi ngay. Cùng chung suy nghĩ như anh Toàn, ngư dân Lê Thành Kính, thôn Mỹ Tân 1, cho biết: Trong Quốc hành động ngang ngược như thế, tui phẫn nộ lắm. Chúng tôi kiên quyết bám biển, sẵn sàng, phối hợp cùng các lực lượng chức năng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ninh Hải thăm hỏi, động viên ngư dân thôn Khánh Hội (Tri Hải)
ra khơi bám biển khai thác hải sản.

Toàn huyện Ninh Hải hiện có trên 1.000 chiếc tàu cá, với tổng công suất 56.651 CV. Trong đó, nhiều nhất là thị trấn Khánh Hải có 390 chiếc/21.506 CV, kế đến là xã Thanh Hải 354 chiếc/18.293 CV, Vĩnh Hải 158 chiếc/3.181 CV và Tri Hải 103 chiếc/13.538 CV. Để kịp thời động viên ngư dân yên tâm bám biển, những ngày qua các lực lượng chức năng, nhất là cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ninh Hải thường xuyên có mặt thăm hỏi, cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền về diễn biến tình hình trên các vùng biển, cũng như thực hiện các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn cho ngư dân về các quy định của pháp luật, các biện pháp phòng tránh rủi ro trên biển và động viên ngư dân yên tâm bám biển bình thường. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện về việc huy động nhân lực tàu thuyền và chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển theo Công văn số 2066/UBND-NC ngày 6-5-2014 của UBND tỉnh, hiện nay Ninh Hải đã huy động được 15 chiếu tàu cá của ngư dân, loại có công suất từ 300 CV trở lên tham gia vào Đội tàu thuyền sẵn sàng huy động theo Nghị định 30 của Chính phủ.

Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đa số tàu thuyền bà con địa phương đều làm nghề vây rút chì, phạm vi hoạt động có khi cách đất liền trên 80 hải lý.

Vì thế, để những chuyến ra khơi được an toàn, hiện nay ngư dân Ninh Hải đã thành lập 1 HTX nghề cá và 38 tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ. Khi ra khơi, các tổ sát cánh nhau, chia sẻ ngư trường, giúp đỡ nhau khi gặp sự cố…, nhờ vậy hiệu quả khai thác hải sản của ngư dân được nâng lên đáng kể. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2014, ngư dân trong huyện khai thác được 5.777 tấn hải sản các loại, đạt 50,23% kế hoạch, tăng 2.507 tấn so với cùng kỳ.

Dù mỗi chuyến đi biển có khi ròng rã cả tháng trời, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng với ngư dân cứ mỗi chuyến ra khơi như có thêm niềm vui riêng. Không ai nói ra, nhưng trong lòng mỗi ngư dân đều hiểu rằng, ra Biển Đông thì họ được xem như là một người lính bảo vệ trên biển và tàu thuyền của họ là một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.