Vươn khơi Trường Sa bám biển

(NTO) Trước sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển chủ quyền nước ta, phát huy truyền thống yêu nước của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ vùng biển Thuận Nam đã động viên chồng, con bám biển Trường Sa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày này không khí ở các làng chài Lạc Tân 1, Lạc Tân 2 (xã Phước Diêm), Lạc Sơn 1, Lạc Sơn 2 (xã Cà Ná) nhộn nhịp. Hàng chục tàu công suất lớn chất đầy ngư lưới cụ sẵn sàng hướng thẳng ra vùng biển Trường Sa …

Ngư dân xã Cà Ná bám biển khai thác hải sản vụ cá nam 2014. Ảnh: Sơn Ngọc

Sau tiệc đón mừng chồng, con đánh bắt từ Trường Sa trở về, chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Lạc Tân 1 bắt tay vào vá lưới. Tình yêu biển cả thúc giục chị làm việc bằng đôi, sớm vá xong lưới để chồng, con tiếp tục ra khơi. Cả gia đình chị 5 người sống nhờ vào “lộc biển”. Ngôi nhà khang trang vợ chồng chị có được là nhờ vào những chuyến đánh bắt dài ngày ngoài khơi xa. Nay nghe tin Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của ta, chị khuyên chồng, con đang đánh bắt ở vùng biển phía Nam chuyển hướng ra Trường Sa bám biển.

Ở thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná-nơi ngư dân chủ yếu đi lộng (đánh bắt gần bờ), nay các chị cũng động viên chồng, con “đi bạn” với các tàu đánh bắt ở Trường Sa. Chị Phan Thị Huệ chưa bao giờ để chồng đi xa nhà quá 1 ngày, nhưng chứng kiến hành động hung hăng của Trung Quốc dùng tàu lớn uy hiếp tàu của ngư dân ta, nên đã khuyên chồng theo tàu lớn ra Trường Sa. Nhờ có sự hậu thuẫn của vợ, anh Ngô Thái rất háo hức chờ ngày lên tàu ra khơi. Anh Thái, tâm sự: Tôi đã nhận lời với người bạn bên xã Phước Diêm là sẽ cùng nhau ra Trường Sa, có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.