Ủy ban TVQH nghe báo cáo về hiệu quả tổng thể của hai dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ

Sáng 17-5, tại buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo về chuyên đề Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 2 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án thử nghiệm khai thác bô-xit sản xuất alumin đầu tiên ở nước ta, địa điểm đặt nhà máy alumin tại Lâm Đồng và Đắc Nông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Nhà máy alumin Tân Rai đã được nhà thầu bàn giao cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam từ 1/10/2013.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát nhận định, trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm, phát triển kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, việc đầu tư một lượng vốn lớn, kéo dài cho hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ cần được tiến hành thận trọng, tính toán kỹ, đặc biệt là chi phí dành cho hai dự án phải thật hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Về hiệu quả kinh tế tổng thể của dự án, Đoàn giám sát cho rằng, do giá alumin phụ thuộc hoàn toàn vào sự chi phối của thị trường thế giới trong bối cảnh biến động mạnh của tình hình sẽ tác động đến hiệu quả kinh tế của dự án.

Đoàn Giám sát kết luận Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã chấp hành đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lập, phê duyệt, thực hiện hai dự án trên, nhưng đề nghị Tập đoàn phấn đấu rút ngắn tiến độ đầu tư, sớm đưa cả hai dự án đi vào hoạt động.

Vấn đề phế thải bùn đỏ khi khai thác quặng bô–xít là một trong những vấn đề gây lo lắng sẽ làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ông Trần Văn Tùng cho biết, khác với việc khai thác quặng bauxite ở nhiều nước trên thế giới, phế thải bùn đỏ (sản phẩm đi cùng với quá trình khai thác bô-xit) của Việt Nam có hàm lượng sắt rất cao, vì thế, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành tinh chế bùn đỏ lấy quặng sắt. Việc “gạn” bùn đỏ lấy sắt hiện đang trong quá trình thí nghiệm, nhưng kết quả rất khả quan. Nếu thí nghiệm này được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn: giảm chi phí xử lý bùn đỏ, tăng hiệu quả của dự án.

Trước thông tin trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đều bày tỏ vui mừng với kết quả thí nghiệm “gạn” bùn đỏ lấy sắt.

Phát biểu tại phiên họp, về hiệu quả kinh tế của hai dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định dù tính toán trên cơ sở các phương án “bảo thủ nhất” thì dự án vẫn có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, giá alumin trên thị trường thế giới đang ấm dần lên và hiện đã lên đến 400 USD/tấn, nhiều khả năng sẽ tăng lên 420 USD vào năm 2018. Mặc dù vậy, khi tính toán hiệu quả kinh tế, Chính phủ chỉ dự kiến giá alumin là 310 USD/tấn.

“Kể cả với phương án bảo thủ là 310 USD/tấn alumin, chưa tính tới việc chế biến bùn đỏ để lấy quặng sắt thì thời gian giảm lỗ của 2 dự án bô-xit cũng giảm được 1-2 năm so với kế hoạch” – Phó Thủ tướng nói; đồng thời cho rằng với dự án có thời gian hoạt động 30 năm, vốn đầu tư lên tới 700 triệu USD thì việc giảm thời gian lỗ 1-2 năm là vô cùng quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng, hiện tại, tổng mức sản lượng khai thác của 2 dự án bô-xit khi đi vào hoạt động hết công suất là 650.000 tấn. Đây là mức sản lượng rất khiêm tốn so với các dự án khai thác bô-xit trên thế giới và so với trữ lượng 4 tỷ tấn bô-xit của nước ta. Khi dự án khai thác bô-xit được chứng minh là có hiệu quả, chúng ta có thể nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm, sau đó lên 1,5 triệu tấn/năm thì hiệu quả còn được nâng cao hơn nữa do giảm được nhiều chi phí.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam