Luật dược số 34/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2005 (gọi tắt là Luật dược).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo giải trình một số nội dung
tại phiên họp chiều 16-5. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Sau 8 năm thực hiện, Luật dược đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dược, bảo đảm quyền của người dân được sử dụng thuốc có chất lượng, hợp lý và an toàn. Việc ban hành Luật dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu khẳng định việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dược góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp dược Việt Nam, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, đặc biệt là quản lý nhà nước đối với giá thuốc.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần quy định rõ quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của các bên liên quan, nhất là với các loại thuốc thiết yếu, phù hợp với nguyên tắc của Luật giá.
Một số ý kiến cho rằng, việc quản lý giá thuốc trong Luật dược phải theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, do mặt hàng thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, đó là Nhà nước sẽ tham gia điều tiết để bình ổn giá thuốc khi có biến động về giá đối với thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục thuốc thiết yếu; định giá đối với hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước; có chính sách hỗ trợ đối với thuốc y học cổ truyền dân tộc, thuốc cung ứng cho các vùng khó khăn, thuốc chữa trị một số bệnh xã hội; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý giá thuốc.
Về xác định những loại thuốc Nhà nước quản lý giá, qua thẩm tra, các thành viên của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với ý kiến đề nghị chỉ quản lý giá thuốc thuộc danh mục thuốc bảo hiểm y tế (đã bao gồm toàn bộ thuốc thiết yếu), thuốc do Nhà nước đặt hàng, còn các loại thuốc khác quản lý theo cơ chế thị trường và theo nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, phải xác định rõ những loại thuốc nào phải được Nhà nước quản lý trực tiếp, chịu trách nhiệm về giá, loại nào chỉ cần đảm bảo giá công khai minh bạch.
Liên quan đến việc cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, qua thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban nhận thấy, hiện nay, Bộ Y tế được phân công chủ trì thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) về giá thuốc, các bộ khác tham gia theo trách nhiệm được phân công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những vướng mắc nên vẫn còn có ý kiến khác nhau về việc thực hiện trách nhiệm này.
Trong dự thảo Luật lần này giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương pháp xác định giá thuốc; Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về giá thuốc nhưng chưa quy định rõ Bộ Tài chính hay Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về giá thuốc và chịu trách nhiệm cuối cùng đối với vấn đề giá thuốc.
Bà Mai cho biết, hiện nay, tại Việt Nam đang lưu hành trên 1.500 hoạt chất khác nhau, mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói thuốc… với khoảng 25.000 mặt hàng thuốc trên thị trường; việc quản lý giá đối với số lượng mặt hàng thuốc lớn như vậy, nếu không có kiến thức chuyên ngành sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian vừa qua, một số Luật chuyên ngành, nội dung QLNN về giá sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành được giao cho bộ quản lý chuyên ngành chủ trì.
“Thường trực Ủy ban nhất trí đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ liên quan, quan hệ trong QLNN về vấn đề giá thuốc giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định rõ khái niệm quản lý chuyên môn về giá thuốc để xác định trách nhiệm của các bộ khi có sự biến động về giá thuốc”, bà Trương Thị Mai bày tỏ quan điểm.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có chung nhận xét, cần phải quy định rõ trong Luật về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ Y tế chỉ có thể tham gia ý kiến về chất lượng thuốc chứ không làm được chức năng quản lý giá thuốc. “Sản xuất, buôn bán, xuất nhập thuốc là Bộ Công Thương. Tại sao không giao cho Bộ này? Bộ Y tế chỉ quản về chất lượng thuốc thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cho ý kiến về Hội đồng quản lý giá thuốc, bà Trương Thị Mai cho rằng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý giá thuốc trong dự thảo Luật có cả chức năng tư vấn và QLNN, chưa phân định vai trò của Hội đồng trong mối quan hệ với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo bà Mai, Hội đồng không phải là cơ quan QLNN và chỉ nên được giao nhiệm vụ tư vấn, đề xuất các biện pháp bình ổn khi có biến động về giá thuốc thiết yếu; đề xuất các biện pháp tổ chức đấu thầu thuốc tập trung; đề xuất các biện pháp kiểm tra, đánh giá xác định nguyên nhân của biến động về giá thuốc...
Tại phiên thảo luận, một số nội dung khác trong dự thảo Luật cũng được nhiều thành viên của UBTVQH cho là chưa đầy đủ, hợp lý; thiếu tính thống nhất với nhiều luật khác, nên các thành viên của UBTVQH đã thống nhất quyết định lùi thời hạn trình dự án Luật này sang Kỳ họp thứ 8.
Cũng trong chiều 16/5, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam