Nghề giúp việc

(NTO) Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác số người làm nghề giúp việc tại tỉnh ta. Tuy nhiên trong mấy năm trở lại đây, do đời sống xã hội phát triển nên số hộ gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc có xu hướng gia tăng, nhất là ở khu vực Tp.Phan Rang-Tháp Chàm.

Vì thời gian ban ngày chủ yếu dành cho công việc ở cơ quan, nên một số người dân ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có nhu cầu tìm thuê người giúp việc, để làm các công việc chuyên như trông trẻ nhỏ hoặc trông người già, người đau ốm, phụ việc gia đình... Đối tượng được chọn chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, không phải người chủ nào cũng hài lòng về người giúp việc của gia đình mình.

Giúp việc gia đình là một nghề được xã hội thừa nhận.
Ảnh minh họa

Chị Kiều Nga ở phường Bảo An chia sẻ: Mấy tháng trước chị có thuê một cô giúp việc ngoài 50 tuổi chỉ để chăm sóc đứa con nhỏ hơn 1 tuổi của chị. Chị chọn người có tuổi vì cho rằng họ có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cô giúp việc ấy lại rất hay đau ốm và lây cả bệnh cho đứa con nhà chị. Nên chỉ 2 tháng sau chị phải tìm người giúp việc khác khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn. Góc độ người làm nghề giúp việc, chị N.T. Út ở phường Đô Vinh tâm sự: Khi trước nhận việc chăm sóc trẻ cho một chị thuê trọ gần nhà, chị này hứa trả 100.000 đồng/ngày chăm trẻ từ 9giờ tới 19giờ ngay tại nhà mình. Tuy nhiên, lợi dụng gần nhà, chị thường xuyên gửi bé từ 7giờ sáng mà tới tận 20giờ mới qua nhận con, khiến chị không có thời gian làm việc gia đình mình. Tới hết tháng, chị kia cũng không trả đủ theo số tiền như đã hứa ban đầu. Từ đó tới nay, chị đã nghỉ luôn việc trông trẻ cho chị hàng xóm.

Xung quanh chuyện người thuê và người làm nghề giúp việc còn rất nhiều mẫu thuẫn khác xảy ra như việc người thuê hay phàn nàn rằng người giúp việc thiếu tính trung thực, không biết sử dụng các thiết bị gia đình, chăm sóc người già và trẻ nhỏ thì thiếu chu đáo, giao tiếp thì thiếu hiểu biết… Trong khi đó, người giúp việc lại hay kêu ca rằng chủ nhà thường bắt mình làm quá sức, có thái độ cư xử thiếu tôn trọng họ, hay chế độ lương, thưởng không thỏa đáng… Gần như giữa họ chưa tìm được tiếng nói chung.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, có hiệu lực thi hành từ ngày

25-5-2014. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định là các quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cụ thể, mức tiền lương do hai bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, theo Nghị định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: những người làm nghề giúp việc tại tỉnh ta đều chưa qua các lớp hướng dẫn về các kỹ năng cần thiết cho công việc. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có đơn vị nào đứng ra đào tạo các kỹ năng cho người giúp việc. Giúp việc gia đình cũng là một nghề, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tuyên truyền phổ biến để người làm cũng như người thuê hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ khi lao động hoặc sử dụng lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp này.