Vấn đề hôm nay:

Ý chí và sức mạnh Việt Nam

(NTO) Những ngày gần đây, sự kiện Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, đưa giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không những không “hạ nhiệt” mà còn làm “nóng” thêm, nhất là trong ngày 14-5 vừa qua Trung Quốc đã huy động thêm tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép nói trên để ngăn cản lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, ngoài việc Trung Quốc đưa thêm 1 tàu hộ vệ tên lửa còn có thêm 2 tàu vận tải đổ bộ mang số hiệu 998 và 999 có lượng giản nước 17.000 tấn, trang bị nhiều loại vũ khí… tham gia ngăn cản quyết liệt các tàu chấp pháp của Việt Nam.

 
Chắc tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Trong ảnh: Các chiến sĩ hải quân tuần tra trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Bảo Bình

Bên cạnh đó, số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc (có lượng giãn nước 100-150 tấn) cũng tăng gấp 3 lần về số lượng... so với ngày 13/5 trước đó. Những thông tin nêu trên càng tạo thêm sự phẫn nộ, bất bình của hàng triệu người dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, làm gia tăng mối quan ngại và phản đối của nhiều người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với Trung Quốc, hướng niềm tin về Việt Nam và sẵn sàng vì Việt Nam.

Điều đáng nói là trước những hành động hung hãn, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế mà cụ thể là vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tuyên bố DOC mà Trung Quốc đã tham gia với tư cách là một thành viên đã cam kết, bất chấp cả dư luận quốc tế, tiếp tục “leo thang” bằng việc huy động thêm máy bay, tàu quân sự... vây quanh giàn khoan Hải Dương-981. Mặc dù vậy, các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam vẫn kiềm chế, tránh va chạm, xung đột đồng loạt tiếp cận giàn khoan, dùng loa tuyên truyền khẳng định chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Điều đó đã nói lên quan điểm nhất quán của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, cam kết tuân thủ các nguyên tắc để bảo vệ hòa bình, được thể hiện trong Luật Biển 1982 và trong tuyên bố DOC.

Cũng trong những ngày này, cùng với cả nước nhiều người dân trong tỉnh đã luôn theo dõi diễn biến tình hình và tỏ ra rất bức xúc và bất bình trước những hành động ngang ngược, hung hăn của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Một số ngư dân đã thẳng thắn:- Bao đời nay cha ông đã gắn bó với biển và trong đó tất nhiên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhiều ngư dân còn thể hiện quyết tâm:- Dù Trung Quốc có ngang ngược đến đâu thì ngư dân vẫn quyết tâm bám biển bảo vệ chủ quyền.

Ý chí của Việt Nam đó là: Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Ý chí chính trị cộng với sự đồng thuận của toàn dân là hai yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh Việt Nam và tất yếu sẽ đi đến thành công trong cuộc đấu tranh với hành vi sai trái của Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải đưa giàn khoan Hải Dương-981 phi pháp cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất nước.