Quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

(NTO) Những ngày qua, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD-981 vào Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa Việt Nam, đồng thời huy động một lực lượng lớn tàu hộ tống các loại, bao gồm cả tàu quân sự và máy bay vào hoạt động, uy hiếp, tấn công các tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư và tàu đánh cá của Việt Nam đã gây bức xúc, phản ứng trong nước và quốc tế.

Cùng với ngư dân cả nước, ngư dân tỉnh Ninh Thuận nói chung, ngư dân Thuận Nam nói riêng không những phản ứng mạnh mẽ về việc làm sai trái này mà còn động viên nhau đoàn kết, bám ngư trường, vươn khơi đánh bắt xa bờ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Ninh Thuận tại Cảng cá Cà Ná, không khí chuẩn bị vươn ra khơi xa của gần 1.000 tàu cá của ngư dân Cà Ná và Phước Diêm khẩn trương, nhộn nhịp hơn mọi ngày.

Hầu hết bà con ngư dân đều tỏ ra bất bình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc sớm rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Bà con ngư dân khẳng định, ra biển lúc này không chỉ là mưu sinh, mà quan trọng hơn, đó là trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đối với họ mỗi ngư dân là một chiến sĩ; mỗi con tàu là một cột mốc sống trên biển cả quê hương n

Thượng úy Nguyễn Bá An,

Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Cà Ná:

Những ngày qua, trước tình hình trên Biển Đông diễn biến phức tạp, Đồn Biên phòng Cà Ná chúng tôi đã cử tất cả cán bộ xuống địa bàn bám dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như ngư dân tiếp tục bám biển. Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân nắm được vị trí, cũng như hành động của Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên ngư dân bám biển, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam.

Ông Trần Ngọ,

ở thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná:

Bản thân tôi từng là một người lính tham gia chiến đấu chiến trường K vào những năm 1986, với trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân, tôi vô cùng bất bình trước hành động sai trái của Trung Quốc. Hoàng Sa, Trường sa là máu thịt của Việt Nam mà các thế hệ cha ông đã đổ xương máu để giữ gìn, nên dù khó khăn đến mấy tôi vẫn tham gia bám biển, bám ngư trường, vừa làm ăn, sản xuất vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Ông Dương Phẹo,

ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm:

Trường Sa và Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt lâu đời của ngư dân nước ta. Theo dõi báo, đài, tôi thấy Trung quốc đã leo thang, nganh nhiên chà đạp lên dư luận quốc tế. Để góp sức nhỏ bé của mình vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tôi tự nguyện tham gia vào Tổ đoàn kết đánh bắt ở Trường Sa. Dù trong điều kiện khó khăn nào tôi cũng cố gắng vượt qua, kiên trì bám biển, quyết không lùi bước để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Ông Đỗ Minh Tuấn,

ở thôn Lạc Nghiệp 2, xã Cà Ná:

Ngư dân xã Cà Ná và Phước Diêm chúng tôi kịch liệt phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa, đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển Việt Nam, cản trở việc khai thác hải sản của ngư dân. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm tiếp tục vươn khơi bám biển và sẵn sàng tham gia đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.