Người dân Việt Nam mít tinh phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan
Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam.
(Ảnh: Duy Khương - TTXVN)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngang nhiên cho rằng: “Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc nhất quán phản đối các quốc gia cá biệt có ý đồ lợi dụng vấn đề Biển Đông phá hoại đại cục hợp tác hữu nghị Trung Quốc - ASEAN”. Phát biểu này của bà Hoa Xuân Doanh ngoài ý đồ làm ngơ trước Tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông mà còn âm mưu chia rẽ các nước thành viên ASEAN.
Phát biểu của bà Hoa Xuân Doanh hoàn toàn trái ngược với khẳng định rằng: “Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN tiếp tục thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực này. Trung Quốc cũng hy vọng các nước ASEAN có liên quan tôn trọng, thiết thực và thực hiện tốt DOC, đóng góp tích cực cho bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh trên biển ở Biển Đông”.
Trên thực tế, Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam với sự hộ tống của tàu chiến, máy bay quân sự… rõ ràng là một hành vi dùng vũ lực, bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của luật quốc tế, vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, gây tổn hại đến tình cảm giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 11 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: Trung Quốc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế. Hành động của Trung Quốc hiện nay ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là cực kỳ nguy hiểm, đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi: "Chúng tôi trân trọng cám ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam".
Cư dân mạng Trung Quốc đã bình luận gì?
Mạng “Phượng Hoàng” cũng đã đăng tải các bình luận liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển của Việt Nam.
Một bạn đọc có nickname bingchenglieshui đưa ra nghi ngờ về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi: “Lãnh hải trong đường chín đoạn ở Biển Đông rốt cuộc có phải là của Trung Quốc hay không?”.
Nickname tiexue007 cho rằng: “Hiện nay, đường biên giới (đường lưỡi bò) không có khế ước, đương nhiên sẽ không được các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Đánh không giải quyết được vấn đề gì, chỉ có thể làm cho Trung Quốc càng bị cô lập trên toàn thế giới”. Trong khi đó, cư dân mạng ddhao999 nhấn mạnh: “Tình hình hiện nay (của Trung Quốc) đã bị động”. Cư dân mạng wx1532 kêu gọi chính phủ Trung Quốc cần đem lại một chút “lòng tin” cho người dân.
Cư dân mạng đến từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tự đặt câu hỏi nghi ngờ: “Nói là GDP của Trung Quốc vượt qua Mỹ, đứng đầu thế giới, nói là chi tiêu quân sự của Trung Quốc xếp thứ hai thế giới, như vậy thì quốc thể và nhân cách của Trung Quốc xếp thứ mấy thế giới?”.
Có cư dân mạng cho rằng: “Chủ trương lãnh hải (của Trung Quốc) đầy tham vọng như vậy có thể được bao nhiêu sự ủng hộ, thực tế một chút đi sẽ tốt hơn không! Đây không phải là một thế giới dựa vào vũ lực để khoe khoang, huống hồ Trung Quốc cũng không có thực lực để đánh cả thiên hạ”.
Còn cư dân mạng từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thừa nhận: “Trung Quốc sử dụng vũ lực là hạ sách”
Trên các trang diễn đàn mạng như Sohu, Sina cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến của người dân Trung Quốc thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và phê phán thái độ của những phần tử cực đoan trong giới cầm quyền.
Trước đó, ông Lý Lệnh Hoa, Chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về luật biển của Trung Quốc đã kịp thời lên tiếng tỏ rõ thái độ phản đối hành động của phía Trung Quốc.
Trong bài viết được đăng trên blog cá nhân mạng Sina ngày 6/5, học giả Lý Lệnh Hoa cho biết, phóng viên của Thời báo Hoàn Cầu đã liên hệ hỏi quan điểm của ông về tình hình mấy ngày qua ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa), sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 đến khai thác thăm dò ở vùng biển trên.
Vị học giả này đã trả lời rằng Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì nên tuân theo Điều thứ 74 và 83 của Công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Ông khẳng định nội dung liên quan đến vấn đề này ông thường xuyên viết trên blog của mình trong thời gian gần đây, ông hy vọng phóng viên của Thời báo Hoàn Cầu nên xem qua.
Cũng trên trang blog cá nhân của ông, trong bài viết ngày 8/5, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa viết, tình hình hiện nay của hai nước Trung Quốc và Việt Nam mặc dù còn tồn tại một số bất đồng nghiêm trọng và có xung đột về chủ quyền biển đảo và phân định biên giới trên biển, nhưng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng của nhau, đồng thời là các quốc gia ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, chỉ cần hai bên có ứng xử một cách kiềm chế và hợp lý, trên tinh thần nhường nhịn lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. Trên tinh thần có lợi cho người dân, thông qua các cuộc đàm phán tích cực và hữu nghị, thiết thực trao đổi thông tin liên lạc, thì mọi bất đồng đều có thể giải quyết.
Nhiều bạn đọc bày tỏ trên diễn đàn Sohu: “Đại diện chính quyền của hai quốc gia có thể ngồi lại và cùng thảo luận. Chúng ta nên tuân thủ luật pháp quốc tế”, “Phải chăng chính quyền ta đang nghĩ rằng chỉ có lợi ích vĩnh viễn không có bạn bè vĩnh viễn. Dùng sức mạnh của mình thay cho tôn trọng các quốc gia khác là một điều không nên”.
Bạn đọc Fanfanhe ở Bắc Kinh viết trên mạng Sohu: “Mọi người đều thấy rõ: Lần này Trung Quốc chủ động gây chuyện, người Việt Nam tố cáo ra quốc tế; bây giờ Trung Quốc lại giả bộ bị bắt nạt, nói bị tàu Việt Nam tông húc để mong tìm kiếm sự cân bằng”.
Nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ, không tin vào luận điệu tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Bạn đọc có nick Kuangyelangren viết trên mạng Sohu: “Sao tôi xem chương trình “Tin tức 360” thấy tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và tông húc vào tàu Việt Nam? Lại còn đưa mấy chục tàu ra để bảo vệ? Rốt cuộc thông tin nào là đúng vậy?”.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam