Sáng mãi niềm tin

(NTO) Tỉnh ta có 105 km bờ biển; 14 xã, phường ven biển thuộc 5 huyện, thành phố; gần 2.700 tàu thuyền đánh bắt hải sản với sự tham gia của hàng chục ngàn ngư dân,… Tỉnh ta cũng có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Biển không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, mà còn là niềm tự hào, là tình yêu, sự gắn bó thủy chung.

Những ngày này, câu chuyện về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trở nên sôi sục hơn bao giờ hết. Nhân dân nhiều nơi đã biểu thị lòng yêu nước, phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Bạn bè và dư luận quốc tế bày tỏ quan ngại trước hành động trắng trợn, sai trái của Trung Quốc, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.

Chắc tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Trong ảnh: Các chiến sĩ hải quân tuần tra trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Bảo Bình

Cùng một tình yêu với biển, ngư dân tỉnh nhà quyết tâm bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sống bằng nghề biển, gắn bó với biển, thời gian trên sóng nước Biển Đông còn nhiều hơn thời gian ở bờ, ở đất liền nên đối với ngư dân, biển là nhà, biển là quê hương. Sau 1 năm trực tiếp làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa), chàng trai 21 tuổi Nguyễn Đăng Khoa trở về quê nhà Khánh Hội (xã Tri Hải, Ninh Hải), lại theo tàu thuyền vươn khơi đánh bắt hải sản, tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những tháng ngày trong quân đội vẫn còn mới nguyên trong trí nhớ của Khoa. Cuộc sống của lính đã trui rèn cho anh một tinh thần, ý chí đủ mạnh để đương đầu với mọi sóng gió. Khoa thể hiện quyết tâm: “Được đứng trong hàng ngũ những người lính Hải quân, với em không chỉ là niềm tự hào mà còn là vinh dự to lớn. Bất cứ lúc nào, chúng em cũng luôn sẵn sàng chi viện cho Biển Đông, tay lưới liền tay súng.”

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 412 tuần tra bảo vệ ANTT vùng biển.Ảnh: Văn Miên

Không chỉ riêng Khoa, mà tất cả những ai đã từng khoác trên mình chiếc áo Hải quân đều đang xốc lại tinh thần, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần. Rời quân ngũ, họ trở thành những ngư dân bám biển, những công nhân trên công trường, những người lái xe trên cung đường dài Nam – Bắc, hay tiếp tục học tập trên giảng đường,… tất cả đều đang nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng, sẵn sàng một lần nữa vượt trùng khơi ra nơi tiền tiêu làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Làng Chăm An Nhơn (Xuân Hải, Ninh Hải) sau mùa gặt hãy còn rộn ràng niềm vui, thơm mùi lúa mới. Ẩn sâu trong đôi mắt hiền hậu của người mẹ tảo tần, có hay không nỗi lo lắng cho đứa con trai đang chắc tay súng canh giữ biển trời đảo xa? “Tôi xem ti-vi, thấy biển “động”, cầu trời cho muôn sự bình yên. Đó là nhiệm vụ của con, của những người lính Hải quân. Là người mẹ, tôi chỉ biết động viên con và đồng đội hãy cố gắng. Nghe con nói là không sợ, tôi lại càng thấy thương, tự hào lắm!” - Bà Thành Thị Đậm mẹ của chiến sỹ Thành Y Miên hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa chia sẻ. Biển Đông, với những người mẹ như bà Đậm, đã trở nên “máu thịt” hơn cả máu thịt, “yêu thương” hơn cả yêu thương.

Giờ đây, khi Biển Đông “dậy sóng”, trong cuộc điện thoại về gia đình, sau những câu hỏi thăm sức khỏe, tình hình mùa vụ, thôn xóm là những lời động viên. Đất liền động viên đảo xa cố gắng. Đến lượt mình, những chàng trai rất trẻ của quê hương Ninh Thuận, các anh động viên đất liền hãy vững niềm tin, tin vào sự quyết tâm, ý chí chiến đấu và truyền thống yêu nước của dân tộc; tin vào sự mạnh mẽ, kiên định trước trùng khơi sóng gió; như tin vào sự thật không thể phủ nhận về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.