Có thể đưa vụ việc vi phạm của Trung Quốc ra nhiều tổ chức quốc tế

“Thượng phương bảo kiếm của Việt Nam ở đây chính là luật pháp quốc tế”, PGS, TS Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật-Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân về việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Theo ông, Trung Quốc có mục tiêu và tham vọng gì khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

- Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nằm trong một chuỗi các hành động với mục tiêu cuối cùng là trở thành cường quốc số 1 thế giới, soán ngôi của Mỹ. Để đạt được mục tiêu sâu xa đó, Trung Quốc phải chiếm trọn được Biển Đông, vốn là con đường sinh mệnh của Trung Quốc. Mục tiêu này đã được Trung Quốc đặt ra từ năm 1949 khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Năm 1956, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vào thời điểm tranh tối tranh sáng khi chính quyền Pháp chuyển giao quần đảo này cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tiếp đó, tháng 1-1974, Trung Quốc lại dùng vũ lực đánh chiếm nốt nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam lúc bấy giờ đang nằm dưới sự quản lý của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1988, Trung Quốc lại ngang ngược dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Chúng ta đã dũng cảm chống lại và giữ được đảo Cô Lin và Len Đao, còn Gạc Ma thì bị Trung Quốc chiếm. Năm 1992, Trung Quốc lại tiếp tục chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một số bãi ngầm mà giờ Trung Quốc đổ đất, đổ bê tông để tạo ra kết cấu nổi, xâm chiếm một cách trái pháp luật quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tiếp đó, Trung Quốc ban hành một loạt luật lệ, từ luật về đường cơ sở quy định một cách trái phép để hoạch định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa một cách trái pháp luật, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), ra nghị quyết thành lập thành phố Tam Sa. Từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc liên tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển một cách trắng trợn, vi phạm quyền tài phán cũng như quyền đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân các nước khác. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc ngang ngược mời thầu quốc tế trên 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc còn cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam vào năm 2011…

 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến phân tích những sai phạm của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Ngọc Hưng

Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là hành động lần đầu tiên diễn ra trên thực địa một cách trắng trợn nhất trong thời gian gần đây. Thực ra, đây chỉ là vấn đề thời điểm, chứ âm mưu chiến lược, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi.

Xưng hùng, xưng bá là mục tiêu xa, còn mục tiêu gần của Trung Quốc trong hành động lần này là cố hợp pháp hóa quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm đóng một cách phi pháp của Việt Nam. Từ khi dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn nói không bàn về vấn đề này nữa. Vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 chỉ cách đảo Tri Tôn 18 hải lý là có dụng ý muốn cho rằng vị trí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Tri Tôn, mà Tri Tôn thuộc Hoàng Sa của Việt Nam vốn bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép… Từ đó, Trung Quốc muốn biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Mục tiêu thâm độc nữa của Trung Quốc là hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của họ, không chỉ để chiếm Hoàng Sa mà kể cả Trường Sa và 80% diện tích Biển Đông.

- Như vậy, hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế. Xin ông nêu cụ thể những vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc?

- Thứ nhất, Trung Quốc đã vi phạm các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc trong khi Trung Quốc là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Để giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới thì phải dựa trên một nguyên tắc lớn là cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Cụ thể, Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 khoản 1 của Hiến chương là vi phạm các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia. Theo nguyên tắc này, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng toàn vẹn chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam với việc nước này đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và từng bước ở Trường Sa, đặc biệt là khi dùng đảo đã đánh chiếm được để lấn tiếp quyền chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc cũng vi phạm Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã dùng sức mạnh như sử dụng máy bay; tàu áp sát và húc thẳng vào tàu Việt Nam, dùng súng nước cao áp bắn vào lực lượng kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển Việt Nam, gây thiệt hại về tàu và thương tích cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam… Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương trong đó nhấn mạnh nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc còn vi phạm Điều 33 trong Hiến chương là nghĩa vụ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế. Trung Quốc cũng vi phạm một trong 7 nguyên tắc lớn của Hiến chương Liên hợp quốc là tận tâm thiện chí trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982. Cụ thể, Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; vi phạm việc hoạch định các đường cơ sở của các quần đảo; vi phạm Điều 121 của Công ước Luật Biển về quy chế đảo. Một điều rất rõ ràng là Trung Quốc đã vi phạm quy định về khu vực an toàn của các thiết bị, công trình nhân tạo. Theo Khoản 4 và Khoản 5 Điều 60 cũng như Điều 80 của UNCLOS 1982 quy định thì quốc gia ven biển có thể lập ra xung quanh các thiết bị, công trình một khu vực an toàn không quá 500m, tính từ mỗi điểm mép ngoài cùng của công trình đó, kể cả đảo nhân tạo. Những ngày vừa qua, Trung Quốc tuyên bố vùng an toàn với vị trí đặt giàn khoan sai trái của họ là 1 hải lý, tương đương 1.852m, rồi sau đó là 3 hải lý và giờ trên thực tế là 10 hải lý. Đó là hành động vi phạm vô cùng ngang ngược.

Chưa hết, Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đã vi phạm cả “Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa được ký năm 2011, tại Bắc Kinh.

Trung Quốc còn đặc biệt vi phạm nguyên tắc rất lớn trong luật quốc tế là nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Theo nguyên tắc này, một quốc gia được coi là sở hữu hợp pháp đối với một vùng đất, một hòn đảo hay một vùng biển khi quốc gia đó chiếm hữu đầu tiên, công khai, hòa bình và liên tục. Ngoài ra, sự chiếm hữu đó phải bằng hình thức nhà nước. Tất cả các án lệ quốc tế chỉ thừa nhận một quốc gia chỉ có chủ quyền đối với một vùng biển, một đảo với điều kiện quốc gia đó thụ đắc dựa trên nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Đối chiếu với hành vi của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa thì rõ ràng nước này đã không dùng biện pháp hòa bình mà hoàn toàn dùng vũ lực.

- Việt Nam có nên đưa các vụ việc vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam ra các cơ quan quốc tế?

- Đã đến lúc này thì không còn sự lựa chọn nào khác cho Việt Nam ngoài việc dùng đến “thượng phương bảo kiếm” của mình: Luật pháp quốc tế. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, những ngày qua, người dân Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, gần như đã trở thành một khối, đồng lòng cùng với Đảng và Chính phủ, quyết tâm giữ vững biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình.

Điều dễ nhận thấy là một đất nước khổng lồ như Trung Quốc lâu nay lại luôn từ chối đưa vụ việc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông ra các tổ chức quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế. Sự thực là, đối chiếu với luật pháp quốc tế, những hành động của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là phi pháp. Tham vọng và yêu sách của họ từ trước đến nay là phi lý, không dựa trên luật của văn minh, của thời đại mà dựa trên luật của kẻ mạnh. Với những vi phạm như đã nói ở trên, rõ ràng Trung Quốc yếu thế về mặt pháp lý khi đưa vấn đề ra các cơ quan quốc tế. Chính vì thế, việc vi phạm luật pháp quốc tế là tử huyệt của Trung Quốc.

Việt Nam có thể đưa các vụ việc vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ra nhiều tổ chức quốc tế. Có thể đưa ra Đại hội đồng LHQ, kể cả HĐBA; gửi Tổng thư ký LHQ; khởi kiện ra Tòa án công lý quốc tế theo kiểu thách kiện; đưa ra Tòa trọng tài quốc tế; Tòa án quốc tế về Luật Biển hoặc bất kỳ tổ chức quốc tế nào.

Tuy nhiên, việc đưa ra các cơ quan quốc tế phải có lộ trình, phương thức và tính toán phù hợp. Việt Nam nên chuẩn bị một cách bài bản từ hồ sơ pháp lý, chứng cứ, lập luận, con người… và quyết tâm chính trị cũng như sức mạnh tổng hợp toàn dân, đoàn kết quốc tế.

Trên thực địa, Việt Nam không nên cho phép để Trung Quốc lấn một phân, phải nhổ được Hải Dương 981 ra khỏi Việt Nam. Đương nhiên, Việt Nam không nên dùng vũ lực, không nổ súng trước. Nhưng không có nghĩa là chúng ta không có quyền tự vệ. Chúng ta có quyền tự vệ chính đáng theo Điều 51 của Hiến chương LHQ trong trường hợp bị ngoại bang dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực xâm phạm độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia. Đấy là biện pháp cuối cùng. Chúng ta có sức mạnh chính nghĩa là luật pháp quốc tế mà Trung Quốc hoàn toàn không có và chúng ta nên sử dụng sức mạnh này.

Chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử, pháp lý, căn cứ khoa học, đầy đủ chứng cứ và lập luận để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như đối với chủ quyền, quyền chủ quyền của mình trên các vùng biển trên Biển Đông. Trọng tài quốc tế, Tòa án quốc tế là nhân vật thứ ba trung gian công minh nhất để hỗ trợ Việt Nam trong việc chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân