Đấu tranh chống lại nạn buôn người ở khu vực Đông Nam Á

Dự án Liên Hợp Quốc hợp tác hành động chống lại nạn buôn bán người (UN-ACT) kéo dài 5 năm ở cấp khu vực chống lại nạn buôn bán người ở Đông Nam Á đã chính thức ra mắt hôm 13-5, tại Hà Nội.

 
Công an huyện Đắk Glong tuyên truyền cho người dân về các âm mưu,
thủ đoạn buôn bán người. Ảnh: Báo Đăk Nông

UN-ACT sẽ hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội, học giả và các viện nghiên cứu cũng như khối tư nhân của các nước khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường các ứng phó về mặt chính sách và thể chế đối với nạn buôn bán người trong và ngoài khu vực Tiểu vùng sông Mekong.

Thông qua việc liên kết với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, ở cả cấp Trung ương và địa phương, Dự án sẽ thúc đẩy chính sách đi vào thực tiễn và ngược lại. Mục đích cuối cùng của UN-ACT là bảo vệ các nạn nhân và trừng phạt thích đáng tội phạm buôn bán người.

Phát biểu tại lễ ra mắt, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Nạn buôn bán người làm tổn thương những nhóm yếu thế, gây ra nhiều hậu quả và vi phạm nghiêm trọng tới nhân quyền. Hợp tác trên tinh thần phối hợp và tương trợ lẫn nhau không những chỉ giảm thiểu mà còn hướng đến xoá bỏ hình thức nô lệ thời hiện đại này. Hãy xây nên một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác này trong khuôn khổ dự án UN-ACT, bởi vì chúng ta tiếp tục song hành cùng với nhau”.

Còn theo nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Kiên, Chánh văn phòng Văn phòng Thường trực Phòng, chống tội phạm và ma tuý (Bộ Công An): “UN-ACT, trên tinh thần là người kế thừa của dự án Liên minh các tổ chức Liên Hợp Quốc về phòng, chống buôn bán người (UNIAP), chúng tôi mong đợi Dự án sẽ tiếp tục thể hiện tính năng động, sáng tạo và độc đáo của mình trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực ứng phó với buôn bán người”.

Châu Á-Thái Bình Dương được xem là khu vực có tỉ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có khoảng 20,9 triệu người trên toàn cầu đang làm việc trong các điều kiện bị cưỡng bức lao động, trong đó, hơn 50% thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán người thông qua các can thiệp trên cả 4 lĩnh vực gồm: Hợp tác/chính sách, truy tố xét xử, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân và phòng ngừa.

Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện Chương trình Hành động quốc gia phòng, chống buôn bán người và thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về các loại tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức và Nghị định thư bổ sung (UN-TOC).

Tuy nhiên, những thách thức về buôn bán người vẫn đang được xem là một trở ngại lớn đối với Việt Nam liên quan đến số các ca phạm tội. Từ 2005 tới nay, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã phát hiện và xử lý hơn 3.000 vụ buôn bán người với hơn 5.000 tội phạm lừa bán và bóc lột hơn 6.200 nạn nhân.

Nguồn Chinhphu.vn