Số bệnh nhân nhập viện tăng cao
Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ 1-4 đến ngày 12-5, số người đến khám bệnh tại bệnh viện tăng cao, lên đến 26.779 lượt người. Trong đó, số bị viêm đường hô hấp trên 1.346 bệnh nhân; tiêu chảy 395 bệnh nhân; sởi, phát ban 53 bệnh nhân; sốt xuất huyết 59 bệnh nhân và tay chân miệng 412 bệnh nhân. Số bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị có 109 ca tay chân miệng, 144 ca tiêu chảy, 25 ca viêm đường hô hấp và 5 ca sởi… đa số đều là trẻ em.
Bác sĩ khám bệnh cho trẻ bị tay chân miệng tại Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Công Tâm, Khoa nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nắng nóng oi bức, mưa nắng thất thường, kháng thể của trẻ em yếu nên các loại vi rút rất dễ xâm nhập gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Có thời điểm số lượng bệnh nhân tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải, phải bố trí 2 trẻ nằm chung một giường. Để làm tốt công tác điều trị bệnh, từ đầu tháng 4, bệnh viện đã mở rộng khu điều trị nội trú của Khoa Nhi, với hơn 30 giường bệnh; đồng thời thường xuyên bố trí, bổ sung thêm giường vào thời điểm bệnh nhân nhập viện đông nên đã giải quyết tình trạng thiếu giường cho bệnh nhân.
Nâng cao ý thức phòng bệnh
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh về đường hô hấp, sốt siêu vi, sốt xuất huyết… Để chủ động phòng, chống bệnh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các cấp chủ động giám sát, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thông tin, truyền thông để có biện pháp dự phòng tích cực, đồng thời phối hợp thực hiện công tác điều trị, khống chế các bệnh không để lây lan thành dịch. Bác sỹ Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong số các bệnh mùa hè, hiện ngành đặc biệt chú trọng đến bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ phát triển thành dịch. Mặc dù ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh nhưng qua các cuộc thanh, kiểm tra cho thấy, nhiều người dân, một số cơ sở giáo dục mầm non tại các vùng nông thôn, vùng biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lơ là, chưa có ý thức cao về phòng, chống các loại bệnh này.
Điều quan trọng, cần thiết nhất để phòng ngừa các bệnh mùa hè, nhất là các bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp, là phải thực hiện tốt nguyên tắc “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”. Các bậc phụ huynh lưu ý phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bản thân và con em mình, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, đi vệ sinh, không để trẻ uống nước đá vì dễ gây viêm họng. Lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, hạn chế đến những nơi đông người, ăn thức ăn ngoài đường phố… Đối với các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cần loại trừ các ổ bọ gậy, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xung quanh nhà thoáng mát, sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi, khi ngủ nằm màn…
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần tăng sức đề kháng cho bản thân và con em mình bằng cách ăn uống bảo đảm vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất. Phối hợp với nhà trường theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của con em mình, kịp thời phát hiện, cách ly, điều trị bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Nguyễn Thị Hoa