Vấn đề hôm nay:

Gỡ khó cho tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa xã, thôn!

(NTO) Toàn tỉnh có 47 xã được chọn để xây dựng nông thôn mới, trong đó có 11 xã điểm cấp tỉnh. Qua thực tế thực hiện, đến nay nhiều xã đã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí, có xã phấn đấu sẽ đạt 16 tiêu chí trong năm nay như xã Tri Hải (Ninh Hải)... Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và cả “chủ thể” là nhân dân tại các địa phương. Tuy nhiên, theo phản ảnh thì trong bộ 19 tiêu chí, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa là khó thực hiện hơn cả. Vì sao?

Theo quy định tại tiêu chí này thì nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn phải đạt chuẩn của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Cụ thể là đối với cấp xã thực hiện theo Thông tư 12 ngày 22-12-2010 và cấp thôn thực hiện theo Thông tư 06 ngày 8-3-2011 của Bộ nói trên quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa-Khu thể thao xã và thôn.

Làng Chăm Phước Nhơn ( xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng
hệ thống giao thông khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Ảnh: Sơn Ngọc

Đối chiếu với thực tế của tỉnh, khả năng một số xã có thể đạt nhưng đa số thì khó thực hiện. Bởi lẽ, theo quy chuẩn đất quy hoạch khu trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã phải có diện tích tối thiểu 2.500m2 đối với đô thị, đồng bằng, trong đó có hội trường đa năng 250 chỗ ngồi; cấp thôn diện tích khu nhà văn hóa 500m2, diện tích khu thể thao 2.000m2 trở lên, hội trường phải đạt 100 chỗ... Chính quy định mang tính bắt buộc này đã “gây khó” cho không ít địa phương nhất là kinh phí đầu tư để xây dựng đúng chuẩn từ hội trường đến khu vực dành cho các hoạt động thể dục thể thao; kinh phí đầu tư đầy đủ cho các thiết chế văn hóa khác để bảo đảm hoạt động từ cấp xã đến cấp thôn. Theo ước tính tổng kinh phí không dưới hàng chục tỷ đồng. Thực tế còn đặt ra vấn đề, đó là liệu khi xây dựng rồi nhân dân có đến để sinh hoạt, vui chơi như mong muốn?. Đây cũng là điều lãnh đạo nhiều địa phương trăn trở khi trao đổi với chúng tôi.

 Mục tiêu của chương trình Xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân. Do vậy, cùng với việc thực hiện các tiêu chí về sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế thì các tiêu chí về văn hóa xã hội cũng cần phải được đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các địa phương chỉ mới “ưu tiên” dành nguồn lực cho các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất, còn việc đầu tư cho văn hóa chưa được... chú trọng trong đó có nguyên nhân cơ bản là “vướng” các quy định như đã nói trên. Vậy “gỡ khó” như thế nào?

Theo chúng tôi, về việc quy hoạch vị trí hợp lý để xây dựng Trung tâm văn hóa-thể thao xã, thôn là cần phải làm và tỉnh cần quan tâm bố trí nguồn vốn, chỉ đạo các địa phương đầu tư với nhiều giai đoạn theo lộ trình thích hợp gắn với xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, nhân dân đóng góp... để thực hiện. Trước mắt có thể sử dụng cơ sở vật chất hiện có, đầu tư bổ sung các thiết chế văn hóa cần thiết, mở rộng mặt bằng để tạo thành sân vui chơi, tập luyện thể thao... theo tinh thần Thông tư 41 ngày 4-10-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Công văn 4128 ngày 20-11-2012 của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch về việc hướng dẫn thực hiện Tiêu chí số 6 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vấn đề quan trọng là cần sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có để tránh lãng phí nhưng đồng thời phải có lộ trình cụ thể để thực hiện đầy đủ tiêu chí về văn hóa-thể dục-thể thao theo quy định. Hướng mở đã có, vấn đề còn lại là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc vận dụng sáng tạo các văn bản đã hướng dẫn, đồng thời sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa hiện có phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của nhân dân, không thụ động trông chờ ở cấp trên.