Năm 1943, chị được đồng chí Phan Phú (tức Phan Đăng Hồ) đưa vào hoạt động cách mạng tại vùng Bình Thuận, Lâm Đồng, tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc. Sau khi Ủy ban Việt Minh được thành lập, chị tham gia trong Ủy ban Việt Minh và trở thành nòng cốt trong các phong trào cách mạng nơi đây. Tháng 8 năm 1945, chị cùng nhân dân Hà Lên, vùng Đồng Nai thượng xuống đường biểu tình, họp mít tinh đòi lật đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn-Gia Định, mở rộng chiến tranh ra toàn Nam bộ, Trung bộ và cả Đông Dương, chị đã nhập ngũ trực tiếp tham gia đánh giặc.
Đầu năm 1946, trước tình hình địch tăng cường vây ráp, khủng bố, đánh phá các tổ chức, cơ sở cách mạng, cấp trên chủ trương giải thể một số đơn vị, đưa thương-bệnh binh về khu V chữa trị. Chị được trên giao nhiệm vụ chuyển thương-bệnh binh về nơi an toàn hơn. Trên đường vận chuyển, khi đến thôn Mỹ Tường, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận thì bị địch phát hiện, chúng tấn công dữ đội, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương, hy sinh. Không quản hiểm nguy tính mạng, gian khổ, chị đã cùng đồng đội nhanh chóng đưa những người còn sống vào ẩn nấp trong dân, chôn cất người mất, báo cáo về trên xin chi viện. Chị cùng đồng đội đến nhà dân vận động từng lon gạo, con cá, thuốc men nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ, thương-bệnh binh.
Tháng 6 năm 1946, cấp trên lệnh tập trung tái lập những đơn vị đã giải tán trước đây, chị cùng đồng đội phân công nhau đến những nơi nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ trước đây để tập hợp lực lượng và vận động thanh niên địa phương tham gia vào hàng ngũ cách mạng. Trong một lần đi vận động, chị và một số đồng chí bị địch bắt tại bến đò Tri Thuỷ, Ninh Hải. Địch đưa các chị về đồn Phương Cựu giam giữ, đánh đập, tra khảo, dụ dỗ. Thấy chị lớn tuổi hơn những người khác, chúng tập trung tra tấn, nhằm khai thác tình hình cách mạng, nhưng trước sau chỉ nhận được ở chị lời khai: “Chúng tôi là dân quê không biết chi để nói với các ông cả”. Không thể khai thác gì được hơn, tên đồn trưởng cho lính bịt mắt dẫn chị đi ra mé bìa rừng. Một loạt đạn nổ vang, đồng đội ai nấy nghĩ chúng đã bắn chị, nhưng đó chỉ là loạt đạn thị uy đe doạ, trấn áp tinh thần chị và đồng đội hòng lấy lời khai từ các đồng đội khác. Mặc cho kẻ địch đe doạ tính mạng, chị vẫn không hề nao núng, cuối cùng chúng phải thả chị và đồng đội.
Ngày 14-9-1946, Chính phủ ta ký kết với Pháp bản tạm ước, hai bên tạm dừng mọi xung đột. Chị cùng một số cán bộ xuống các địa phương tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu nội dung bản tạm ước. Trong lúc đang tuyên truyền chị bị mật thám Pháp bắt giữ cùng toàn bộ tài liệu, vũ khí. Chúng đưa chị về nhốt tại nhà lao Phan Rang, đánh đập, tra khảo chị liên tục mấy ngày liền, lúc như chết đi, lúc tỉnh lại nhưng chị vẫn kiên trung không khai báo, tiết lộ bí mật. Gặp các đồng chí cùng bị địch bắt, chị động viên, nhắc nhở: “Các đồng chí hãy cứng rắn, cố gắng chịu đựng kiên quyết không khai, tuyệt đối không được phản bội Tổ quốc, không được phản bội đồng bào, bà con mình”.
Sau nhiều lần tra tấn với những trận đòn dã man, chúng vẫn không khai thác được gì từ chị. Không thể khuất phục được người con gái kiên trung, bọn địch dùng thủ đoạn đê hèn bắt chị đứng xuống hố sâu đào sẵn (cách cầu Đạo Long 1 khoảng 2 km về phía Nam), lấp đất từ từ dưới chân lên, vừa lấp chúng vừa hỏi: - Có chịu khai không? Khai thì sống, không khai chúng tao sẽ chôn sống mày! Chị hiên ngang trả lời: - Không, tao không có gì phải khai, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng là lý tưởng của những người cộng sản! Sợ hãi trước khí phách anh hùng của chị, chúng vội vã lấp đất đến cổ, chị dõng dạc nói: Thà chết vinh còn hơn sống nhục, chúng mày giết tao, đồng bào tao sẽ trả thù chúng mày!!!
Chị Võ Thị Xuyến, người Chủ nhiệm Việt Minh thị xã Phan Rang- Tháp Chàm đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30-10-1946, lúc vừa tròn 20 tuổi, khi biết bao hoài bão cách mạng tuổi thanh xuân còn dang dở. Tinh thần cách mạnh, khí phách anh hùng của chị làm cho kẻ thù khiếp sợ, là tấm gương sáng ngời mãi mãi về ý chí cách mạng để lớp trẻ, mọi người noi theo. Chị là niềm tự hào của quê hương Quảng Nam và nhân dân, cán bộ tỉnh Ninh Thuận trong kháng chiến, hôm nay và mai sau.
Bảo Ngọc