Đến nay 92/92 hộ do phụ nữ làm chủ hộ đã được Hội Phụ nữ giúp đỡ, tư vấn giải quyết việc làm, tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm… Không những hướng dẫn về kỹ thuật cho chị em, Hội Phụ nữ xã còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho nhiều chị em vay vốn làm ăn. Với cách làm đó, 50 hộ phụ nữ cận nghèo trên địa bàn xã đã được tiếp cận vốn nâng mức vay lên trên 1 tỷ đồng để có vốn đầu tư làm ăn. Nhờ đó đến nay đã có 19 hộ/76 khẩu do phụ nữ làm chủ hộ được thoát nghèo.
Đàn bò từ nguồn vốn vay chăn nuôi bò vỗ béo.
Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được các chi hội hưởng ứng nhiệt tình. Với những kiến thức có được từ các lớp tập huấn, nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình và nhiều chị đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi cừu, bò vỗ béo. Như chị Ngân Thị Kim Láng, ở thôn Phước Lập, năm 2005 chị vay từ Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng, mua được 3 con bò, nuôi trong vòng 3 năm, sinh sản thành 6 con, chị bán 1 cặp bò được 39 triệu đồng, sau khi hoàn trả lại vốn cho ngân hàng, chị lãi được 29 triệu đồng và 4 con bò. Trao đổi với chúng tôi, chị vui mừng nói thêm: “Nhờ vốn vay tín chấp Hội Phụ nữ từ Ngân hàng CSXH, mà tôi có điều kiện để làm ăn, năm vừa qua gia đình tôi đã thoát được nghèo. Tôi mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ chương trình “Kinh doanh vùng khó khăn” của Hội để buôn bán lúa, gạo. Nhờ vậy, mà cuộc sống gia đình tôi được ổn định và ngày càng phát triển hơn”.
Chị Hứa Thị Mây Sum, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã vui vẻ nói: “Được sự quan tâm của lãnh đạo, phụ nữ xã được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay, đặc biệt vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để giúp cho chị em nghèo vay vốn. Không những thế, Hội còn tích cực vận động hội viên đóng góp vốn cho các chị em nghèo vay xoay vòng theo quý để có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội còn thực hiện tốt công tác xã hội, nhận đỡ đầu cho 3 em học sinh nghèo hiếu học đang theo học tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm với số tiền 450 ngàn đồng/năm để các em được đến trường đến lớp”. Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực như thành lập CLB “5 không, 3 sạch”; thành lập 1 địa chỉ tin cậy tại thôn Văn Lâm 3; thành lập tổ tự quản vệ sinh đường làng ngõ xóm; nhóm phụ nữ tiết kiệm, nhóm phụ nữ tình thương …
Nhờ các mô hình hội viên phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, đến nay, toàn xã có 65 hộ thoát nghèo, chiếm 2,59% tỷ lệ thoát nghèo tại địa phương. Có thể nói, mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo thực sự là phong trào lớn, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong việc thực hiện xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, góp sức cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Diễm Trang