|
Nguyễn Anh Linh Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo |
Nguyễn Anh Linh
Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo
Chủ đề của Tuần lễ hành động Chiến dịch toàn cầu vì giáo dục năm nay là: “Giáo dục và khuyết tật” sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 13-5-2014 với thông điệp chính: “Người khuyết tật (NKT) có quyền thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng”, nhằm tuyên truyền, đề cao vai trò, nhiệm vụ của công tác giáo dục đối với NKT – một trong những đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong xã hội. Qua đó định hướng cho các ngành, các cấp có sự quan tâm đầy đủ, thường xuyên đến NKT và công tác giáo dục đối với người khuyết tật.
NKT là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần; là những người có khiếm khuyết về cấu trúc, sai lệch về chức năng cơ thể dẫn đến gặp khó khăn nhất định trong hoạt động cá nhân, hoạt động xã hội và học tập. Các dạng khuyết tật: khiếm thị; khiếm thính; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật ngôn ngữ; khuyết tật vận động; đa tật; các dạng khác (tự kỷ)…
Có nhiều nguyên nhân gây nên khuyết tật, nhưng ở Việt Nam ta nguyên nhân từ chiến tranh chiếm tỷ lệ khá cao. Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh có quy mô tàn phá khủng khiếp. Những khuyết tật của cựu binh và dân thường có hậu quả trực tiếp từ bom đạn hoặc các hành vi tra tấn và tù hãm. Khuyết tật chân, tay là những dạng phổ biến. Về rối loạn tâm lý thì rối loạn stress sau sang chấn – một dạng ám ảnh, sợ hãi về quá khứ đau thương, có thể xảy ra với mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo độ thảm khốc của sang chấn.
Việc sử dụng khoảng 76,9 triệu lít thuốc diệt cỏ có chứa chất độc dioxin trong giai đoạn từ năm 1962-1971 mà quân đội Mỹ rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm trực tiếp với dioxin trong khoảng thời gian trên. Các khuyết tật ở những đứa trẻ mới sinh từ bố, mẹ từng bị phơi nhiễm là có nguyên nhân trực tiếp từ nhiễm chất độc da cam/dioxin. NKT là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong xã hội.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trình độ học vấn của NKT ở Việt Nam rất thấp: 41% số NKT chỉ biết đọc biết viết; 19,5% học hết tiểu học; 2,75% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hay chứng chỉ học nghề, và ít hơn 0,1% có bằng đại học hoặc cao đẳng. Nhìn chung, chỉ có khoảng 3% được đào tạo nghề chuyên môn, và chỉ hơn 4% người có việc làm ổn định. Hiện có hơn 40% NKT sống dưới chuẩn nghèo.
Ngày 13-12-2006, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền của NKT, Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước vào tháng 10-2007. Đến năm 2008 đã có khoảng 200 quốc gia tham gia ký kết. Công ước này còn có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế, và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.
Đến nay, Nhà nước ta đã ban hành và thực thi nhiều Luật, Nghị định, Thông tư; ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến NKT, và công tác giáo dục NKT. Tuy nhiên, công tác giáo dục NKT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Tại tỉnh ta, theo Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tỉnh Ninh Thuận của UNICEF Việt Nam, toàn tỉnh hiện có 2.017 trẻ khuyết tật, trong đó chỉ có 26,5% các em được đến trường. Trong khi cả nước có khoảng 48,0% trẻ khuyết tật được đến trường, như vậy trẻ em khuyết tật tại tỉnh ta chưa được đến trường là khá cao. Tỷ lệ trẻ em bị khuyết tật chưa đến trường ở độ tuổi 5 tuổi chiếm 81,17%, độ tuổi tiểu học chiếm 97,4%, tức là hầu như tất cả trẻ ở độ tuổi tiểu học bị khuyết tật đều không đi học.
Ngày 7-5-2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1960/KH-UBND Triển khai thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh thuận. Trong đó đã đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020, hằng năm có 90% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế; 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; khoảng 500 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; 60% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng; 50% NKT được tập huấn các kỹ năng sống.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược giáo dục là đến năm 2015, hầu hết trẻ khuyết tật Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng và được trợ giúp để phát triển tối đa tiềm năng, tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội.
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nghiêm Luật NKT đã được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 29-6-2010 và Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10-4-2013 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT và các văn bản pháp luật khác về NKT. Lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, cấp Giấy xác nhận khuyết tật; nắm rõ số liệu NKT và đảm bảo các chế độ cho NKT trên địa bàn.
Các ngành, các cấp, đặc biệt là các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề; các trường phổ thông, mầm non quan tâm thực hiện tốt Thông tư 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 28-12-2013 liên Bộ Giáo dục Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài Chính qui định chính sách về giáo dục đối với NKT; Quyết định số 23/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 22-5-2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật. Tăng cường vận động trẻ khuyết tật ra lớp; thực hiện đúng các chính sách về ưu tiên trong tuyển sinh; miễn giảm môn học; chính sách về học phí, học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.
UBND tỉnh cũng đã có công văn số 4905/UBND ngày 17-10-2013 về việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập của tỉnh. Trung tâm này có vai trò: phát hiện trẻ khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; thực hiện các biện pháp can thiệp sớm dành cho NKT tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; cung cấp dịch vụ hỗ trợ NKT tại gia đình, tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng; cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.
Công tác giáo dục cho NKT là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có sự quyết tâm vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và toàn xã hội.
Hy vọng thông qua Tuần lễ “Giáo dục và khuyết tật” năm nay, bằng những hành động thiết thực, công tác giáo dục cho NKT sẽ có nhiều chuyển biến, khởi sắc hơn.