Thủy điện Đa Nhim: Nơi chia sẻ nguồn nước Lâm Đồng - Ninh Thuận

(NTO) Ninh Thuận là vùng có nguồn nước mặt vào loại khan hiếm nhất của cả nước, với lượng mưa bình quân nhiều năm toàn tỉnh khoảng 1.100 mm. Bản thân lượng mưa ít ỏi của tỉnh hàng năm cũng phân bố rất không đều cả theo không gian và thời gian. Sông Cái Phan Rang là con sông huyết mạch của tỉnh Ninh Thuận với diện tích lưu vực đến cửa sông 3.043 km2, chiều dài nhánh chính 105 km, cung cấp chủ yếu nguồn nước cho tỉnh trong suốt mùa khô…

Ninh Thuận là một khu vực có điều kiện khí hậu khá độc đáo với đặc điểm cơ bản là: mưa ít nhất cả nước, lượng mưa hàng năm biến động mạnh mẽ, mùa mưa rất ngắn. Đây là vùng khô hạn nhất với chỉ số ẩm ướt nhỏ hơn 1 và lượng mưa năm thấp hơn 1.100 mm, mùa mưa chỉ có từ 3 đến 4 tháng, nhiều năm không có mùa mưa, nền nhiệt độ cao, nhiệt độ trung bình năm là 260C đến 280C, nhiệt độ giữa các tháng trong mùa hạ gần như không thay đổi. Biên độ nhiệt độ năm tương đối lớn với tổng nhiệt độ năm vào khoảng 9.5000C - 10.0000C.

 
Một góc Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Ảnh: Thanh Long

Mật độ lưới sông tại Ninh Thuận tương đối thấp, trong phạm vi 0.10-0.15 km/km2. Mô đun dòng chảy năm trên các sông suối rất nhỏ, dưới 10 l/s.km2. Nguồn nước mặt vốn đã rất ít lại tập trung vào mùa lũ ngắn 3-4 tháng để lại 8-9 tháng cạn kiệt kéo dài. Mặc dù nguồn nước rất hạn chế như thế, nhưng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và đời sống trên địa bàn Ninh Thuận khá cao. Chỉ riêng lượng nước để tưới phục vụ canh tác trên diện tích lúa 3 vụ đã yêu cầu ở mức 25.000 – 30.000m3/ha, trong đó mức tưới cho vụ đông xuân là 8.100 – 8.500m3/ha; cho lúa hè thu là 8.000m3/ha và lúa mùa là 4.000 – 6.000m3/ha.

Kể từ khi vận hành vào năm 1964 đến nay, lượng nước từ Hồ Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng có dung tích thiết kế 165,0 triệu m3 (gần bằng 90% tổng dung tích các hồ chứa hiện tại trên toàn tỉnh Ninh Thuận), sau phát điện tại thủy điện Đa Nhim được chuyển vào Sông Cái Phan Rang, với lưu lượng bình quân năm 16,7 m3/s và lưu lượng bảo đảm mùa kiệt 12,5 m3/s, hỗ trợ khoảng 50% lượng nước tưới cho nông nghiệp. Nhà máy Đa Nhim sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Đa Nhim và Krông Lét để phát điện, lượng nước sau khi chạy máy, khoảng hơn 550 triệu m3 nước mỗi năm phục vụ tưới cho hơn 15.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh ta, vốn là tỉnh miền duyên hải có thời tiết khô hạn, lượng mưa trung bình hàng năm thấp nhất trong cả nước.

Có thể nói Nhà máy Thủy điện Đa Nhim là nơi chia sẻ nguồn nước: Lâm Đồng – Ninh Thuận. Tính đến ngày 15-1-2014, sau nửa thế kỷ vận hành, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phát được khoảng 59 tỷ kWh, trong đó Nhà máy Đa Nhim đã cung cấp cho đất nước khoảng 38 tỷ kWh điện; cung cấp hơn 25 tỷ m3 nước tưới và sinh hoạt cho nhân dân trong địa bàn tỉnh Ninh Thuận.