Phiên họp của UBTVQH về dự án Luật Căn cước công dân. (Ảnh: TTXVN)
Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân và góp phần quản lý xã hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở để thực hiện quản lý căn cước công dân.
Tính đến hết năm 2013, toàn quốc đã làm thủ tục và cấp được trên 68 Chứng minh nhân dân (CMND), đạt 96,6% so với tổng số người trong diện cấp CMND; trong đó, đổi hơn 18 triệu CMND, cấp lại 16 triệu CMND.
Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý CMND, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội…
Tuy nhiên, theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật. Đồng thời, trong bối cảnh thực hiện hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu mới nên việc nghiên cứu xây dựng, và chỉnh sửa một số điều của dự thảo Luật là cần thiết.
Đặc biệt, về cấp thẻ Căn cước công dân, Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc cấp thẻ căn cước công dân đã được Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cấp cho công dân ngay từ khi sinh ra. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, qua nghiên cứu dự thảo Luật hộ tịch, các quy định này cần được cân nhắc.
Vì để giảm giấy tờ công dân, giảm thủ tục hành chính đối với công dân, nếu đã quy định về cấp thẻ căn cước công dân từ khi sinh ra như dự thảo Luật thì cần xem xét kết hợp việc cấp thẻ và số định danh cá nhân ngay khi làm thủ tục đăng ký khai sinh thông qua quy định về cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số định danh cá nhân và cấp thẻ căn cước công dân.
Báo cáo trình bày tại phiên họp cũng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý quy định về lệ phí cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa phân định rõ trường hợp đổi, cấp lại do yêu cầu quản lý nhà nước với trường hợp đổi, cấp lại do nhu cầu của công dân như ý kiến UBTVQH đã nêu. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉnh lý nội dung này theo đúng ý kiến UBTVQH.
Ngoài ra, một số nội dung quan trọng được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm cho ý kiến như: Việc cấp thẻ căn cước công dân theo quy định trong dự thảo Luật sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ công dân, thay thế được những loại giấy tờ nào, vào thời điểm nào; tác động của việc cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, của việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi công dân sinh ra; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người không quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam v.v...
Về vấn đề này, Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa đề nghị Chính phủ tiếp tục báo cáo, làm rõ những vấn đề nêu trên để Quốc hội, UBTVQH xem xét, cho ý kiến.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam