Tránh chuyển đơn thư khiếu tố lòng vòng
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Phan Trung Lý cho biết, những năm gần đây tình trạng công dân gửi đơn, thư đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tạo ra tình trạng đơn, thư chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền… Trong khi việc phân định lĩnh vực, thẩm quyền xử lý đơn thư của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội và việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư nhằm mục đích phục vụ công tác chủ yếu là thẩm tra và giám sát, kiến nghị theo lĩnh vực của Hội đồng, các Ủy ban được giao.
Vì vậy, khi nhận được đơn, thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức phân loại, chuyển đến cơ quan xử lý theo lĩnh vực nên tình trạng chuyển đơn, thư lòng vòng là không tránh khỏi. Đây là vấn đề rất phức tạp xảy ra đối với Quốc hội từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đại biểu Quốc hội hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội khó biết hết các quyết định hành chính không liên quan trực tiếp tới quyền lợi ích của người khiếu nại hay nội dung trùng lặp đã được cơ quan Quốc hội chuyển đến cá nhân nhưng chưa hết thời hạn giải quyết… Khó có thể biết được điều này để có quyền không chuyển. Nếu quy định như vậy thì khiếu nại, tố cáo còn triền miên. Dự thảo cần quy định chặt chẽ để có tính khả thi khi thực hiện
Về việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng hình thức hoạt động của đại biểu Quốc hội trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo.
Tiếp thu ý kiến trên, UBPL cho rằng, dự thảo Nghị quyết thể hiện theo hướng không hạn chế đại biểu Quốc hội tiếp công dân, cụ thể quy định: ngoài trách nhiệm tiếp công dân ở Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu. Bên cạnh đó, đối với việc tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo thì đại biểu Quốc hội không hạn chế phạm vi, lĩnh vực trong việc nhận, chuyển đơn.
Về trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan của Quốc hội, các ban của UBTVQH, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định hằng ngày đại diện của tất cả các cơ quan Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các ban của UBTVQH đều phải có mặt tại địa điểm tiếp công dân, gây lãng phí thời gian và vật chất, không phù hợp với nhiệm vụ của các cơ quan này.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, trên cơ sở nghiên cứu Luật tiếp công dân, dự thảo Nghị quyết quy định Ban dân nguyện là cơ quan thường trực đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc UBTVQH trong việc tiếp công dân, làm đầu mối tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ban dân nguyện có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác này. Còn các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc UBTVQH tiếp công dân trong một số trường hợp cụ thể cần thiết.
Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lưu ý: Nếu không quy định thận trọng thì đại biểu Quốc hội bị quá tải, thậm chí cuộc sống cá nhân của đại biểu cũng bị ảnh hưởng. Bởi hiện nay, có trường hợp người đi khiếu nại tố cáo còn mắc màn ngủ chờ trước cửa nhà riêng của các đại biểu.
Thêm 4 điểm mới về việc tiếp công dân
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Pháp luật, trên cơ sở quy định của Luật tiếp công dân và kết quả tổng kết việc thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về tiếp công dân của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực UBPL đã phối hợp với Ban soạn thảo, Ban dân nguyện để nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết việc tiếp công dân của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào dự thảo Nghị quyết.
Cụ thể, về “nơi tiếp công dân” - trên cơ sở quy định về địa điểm tiếp công dân của Luật tiếp công dân, để tạo sự chủ động trong việc tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân, dự thảo Nghị quyết còn quy định đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thể tiếp công dân tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác và địa điểm khác do đại biểu quyết định; đồng thời, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có thể quyết định các địa điểm khác để tiếp công dân khi cần thiết cho phù hợp với công việc.
Về “tiếp công dân của Hội đồng nhân dân các cấp” dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể việc Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tiếp công dân ít nhất hai ngày trong một tháng. Đồng thời, quy định trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã trong việc tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp tiếp công dân ít nhất hai ngày trong một tháng…
Về “tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”, trên cơ sở các quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, dự thảo Nghị quyết đã xác định cụ thể trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Về “mối quan hệ phối hợp trong việc tiếp công dân”, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phải phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tiếp công dân; định kỳ 6 tháng một lần nghe Ủy ban nhân dân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương báo cáo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân chuyển đến…
Việc bổ sung thêm 4 điểm mới về việc tiếp công dân của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được đa số đại biểu tán thành và UBTVQH tiếp thu, xem xét, chỉnh lý để bổ sung vào dự thảo Nghị quyết.
Cũng trong buổi chiều, cơ quan thường trực của Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam