Phần 1: Đề thi giới thiệu (gồm 2 đề).
Đề thi giới thiệu số 1
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
I. Phần đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
1. Đoạn văn dưới đây có mắc một số lỗi về dùng từ, chính tả và ngữ pháp, anh (chị) hãy chỉ ra những chỗ bị sai đó. (0,75 điểm)
Chiến và Việt là hai khúc sông thuộc hạ nguồn của giòng sông truyền thống gia đình. Khúc sông ấy được bồi đắp phù sa từ truyền thống của những thế hệ đi trước như ba, má, chú Năm,..Hai chị em được di truyền lòng yêu nước từ khi còn nhỏ, cả hai đều giành đi đánh giặc. Qua đoạn trích “Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, cho ta thấy được điều đó.
2. Dưới đây là một văn bản được giấu tên:
(Theo phapluatvadoisong.com, ngày 20/3/2014)
a) Cho biết thể loại của văn bản trên. (0,25 điểm)
b) Nội dung văn bản ấy đề cập đến là gì ? (0,25 điểm)
c) Hãy đặt tựa đề cho văn bản ấy. (0,25 điểm)
3. Đọc khổ thơ dưới đây:
“Đêm nay trăng đang rằm
Trăng như cái mâm con
Ai treo ông cao thế
Ông nhìn đàn em bé
Muốn khoe có mặt tròn”
(Trông trăng – Trần Đăng Khoa)
Hãy cho biết biện pháp tu từ nào được sử dụng trong khổ thơ trên ? Nêu tác dụng của chúng trong đoạn thơ. (1,5 điểm)
II. Phần tạo lập văn bản (7,0 điểm):
1. Viết nối tiếp câu sau để thành một đoạn văn khoảng 10 -15 câu bày tỏ chính kiến của anh (chị) về vấn đề hạnh phúc. (2,0 điểm):
Theo tôi, hạnh phúc là…
2. Viết bài văn xuôi (khoảng 1 - 2 trang giấy thi) với tựa đề:
Nỗi niềm của Thanh Thảo trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor - ca”. (5,0 điểm)
► Tiếp theo đề thi giới thiệu số 1, để giúp các em học sinh lớp 12 có tư liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đề thi số 2 kèm theo phần nhận định của người viết về hai đề thi này.
Đề thi giới thiệu số 2
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
I. Phần đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
1. Hãy chỉ ra những chỗ bị sai về chính tả, dùng từ, ngữ pháp trong đoạn văn sau. (0,75 điểm)
“Đàn ghi ta của Lor - ca” là một thi ca tiêu biểu của Thanh Thảo. Bài thơ là sự tri âm của tác giả dành cho người nghệ sĩ tài hoa, giàu khát vọng nhân văn. Nỗi niềm của Thanh Thảo cũng là nỗi niềm chung của những ai yêu cái đẹp, tự do, sự tiếng bộ. Tuy nhiều hình ảnh trong bài thơ mang dấu ấn thơ tượng trưng mà nó từ lâu đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khác nhau.
2. Đoạn văn sau được viết theo thể loại gì ? Nó đề cập đến nội dung gì ? Hãy đặt tựa đề cho đoạn văn ấy. (0,75 điểm)
Không khí bao giờ cũng chứa một lượng hơi nước nhất định, do hiện tượng bốc hơi của nước trong các biển, hồ, ao, sông ngòi…Một phần hơi nước còn do động, thực vật thải ra, kể cả con người. Tuy nhiên, nguồn chính cung cấp hơi nước cho khí quyển vẫn là nước trong các biển và đại dương. Do có chứa một lượng hơi nước nhất định, nên không khí có độ ẩm. Dụng cụ để đo độ ẩm của không khí là ẩm kế.
(Địa lí 6, Nxb GD, trang 61, năm 2002)
3. Hãy cho biết biện pháp tu từ nào được sử dụng trong hai câu thơ sau? Nêu tác dụng của chúng trong hai câu thơ. (1,5 điểm)
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay”
(Ong và mật - Chế Lan Viên)
II. Phần tạo lập văn bản (7,0 điểm) :
1. Viết đoạn văn ngắn (10 -15 câu) bày tỏ ý kiến về vấn đề sau: Ô nhiễm không khí không nguy hại bằng ô nhiễm nước (2,0 điểm).
2. Viết bài văn xuôi (khoảng 1-2 trang giấy thi) bàn về lòng yêu nước của chị em Chiến - Việt (trích đoạn “Những đứa con trong gia đình”- Nguyễn Thi, Ngữ văn 12, tập 2), trong đó không quên liên hệ với tình cảm yêu nước của thế hệ anh (chị) ngày hôm nay (5,0 điểm).
Phần 2: Nhận định về hai đề thi giới thiệu
Cả hai đề thi giới thiệu đều đáp ứng được những định hướng mà Bộ GDĐT đặt ra trong công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 01/4/2014 và số 1933/ BGDĐT-GDTrH ngày 15/4/2014. Cụ thể:
- Đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu, phù hợp với thời gian làm bài: 120 phút.
- Hướng đến đánh giá năng lực học sinh nhưng ở mức độ phù hợp. Cụ thể là tập trung đánh giá hai kĩ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản.
- Những văn bản được lựa chọn có dung lượng vừa phải, phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh. Văn bản được dùng làm ngữ liệu gồm nhiều loại như khoa học, báo chí,... và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: địa lí, xã hội,... Trong văn bản có cả kênh hình, bảng biểu bên cạnh kênh chữ, gần gũi với một số loại văn bản mà chúng ta thường tiếp xúc trong cuộc sống hiện đại. Văn bản cũng đã được lấy từ nhiều nguồn phong phú như sách giáo khoa, Internet,... (Cách chọn lựa này tương tự với kiểu đánh giá PISA).
- Với các câu hỏi kiểm tra năng lực đọc hiểu, hai đề đã hướng đến các vấn đề Bộ GDĐT lưu ý đánh giá trong kì thi Tốt nghiệp sắp tới như:
+ Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản.
+ Những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản.
+ Một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.
- Phần tạo lập văn bản, hai đề hướng đến kiểm tra các nội dung mà Bộ GDĐT đã hướng dẫn như:
+ Tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc/và tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở và tích hợp trong môn và liên môn, nhằm đo lường việc bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập của học sinh. Dung lượng bài viết được giới hạn trong một phạm vi nhất định nhằm nhắc nhở học sinh viết cô đọng, hàm súc, phù hợp với thời gian cho phép của đề thi. Đây cũng chính là một xu hướng chung về kiểm tra năng lực viết của nhiều cuộc thi, đánh giá mang tầm cỡ quốc tế và của đa số quốc gia xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học.
+ Viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau (vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống).
- Về câu hỏi phần viết bài nghị luận văn học, hai đề thi giới thiệu đã sử dụng ngữ liệu là tác phẩm và trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng đã được đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu.
Chúng tôi sẽ còn tiếp tục giới thiệu một số đề thi tham khảo khác.
Nguyễn Thị Thanh Thi