Chăn nuôi gia súc mùa hạn

(NTO) Nắng nóng kéo dài làm cho hàng trăm ha đất ở Thuận Nam thiếu nước. Nông dân rất lo lắng vì sản xuất vụ hè-thu bị ngưng trệ, thiếu thức ăn cho đàn gia súc.

Khu vực hồ Suối Lớn rộng lớn là nơi chăn thả gia súc của những hộ dân ở thôn Vụ Bổn, Tân Bổn (Phước Ninh), thôn 3 (Nhị Hà), nhưng hiện nay, cỏ cây gần như khô cháy. Đàn bò, dê, cừu hàng trăm con không kiếm được thức ăn trên triền núi kéo về các ruộng lúa đông-xuân vừa thu hoạch xong “nhẫn nại” gặm từng gốc rạ. “Bây giờ đang tận dụng những gốc rơm, rạ còn sót lại trên đồng cho bò ăn, độ mươi ngày nữa nơi này chỉ còn bãi đất trắng” - anh La Bé, nhận chăn bò cho các hộ dân ở địa phương lo lắng.

 
Do thiếu thức ăn, một số bò ở trang trại anh Năm Quang (thôn 3, xã Nhị Hà) phải chăm sóc theo chế độ riêng.

Hơn 1 tháng nay, anh Bé dậy sớm hơn mọi khi để lùa đàn bò 150 con vượt gần 4 km đến các cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong để “cứu đói” cho bò. 9 giờ sáng, cả bò và người phải chui vào bờ suối, các lùm cây trốn cái nắng chói chang. Nắng nóng ngày càng gay gắt làm cho những hộ đầu tư lớn vào chăn nuôi như anh Năm Quang ở thôn 3 (Nhị Hà) “đứng ngồi không yên” do chi phí duy trì tổng đàn đội lên. 3 hồ chứa trong trang trại dê, bò kết hợp 450 con của anh đều “trơ đáy”. “Tôi tốn tiền triệu nối đường ống dài gần 3 km bơm nước từ sông Biêu lên dự trữ trong hồ nhưng qua một ngày là bốc hơi hết. Để có nước cho bò, cừu uống chỉ còn cách lấy thùng, can nhựa ra đựng”- anh Quang, nói. Điều anh Quang quan tâm nhất hiện nay là dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Lường trước những khó khăn, anh sang tận Phước Hữu, Phước Thái (Ninh Phước)… mua hàng chục xe rơm về chất đống trong trang trại. Giá rơm hiện cũng đang tăng cao, lên đến hơn 1 triệu đồng/xe bò.

Thời tiết khắc nghiệt, chất lượng đàn gia súc có dấu hiệu suy giảm. Trang trại của anh Năm Quang có 10 con bò ốm yếu phải tách đàn, nuôi theo chế độ riêng, hằng ngày cho ăn thêm cỏ voi, uống mật mía. Chăm sóc bò chu đáo để có sức đề kháng bệnh trong mùa hạn là cách làm tốt nhất để duy trì đàn vượt qua thời điểm khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, ở Thuận Nam không phải hộ chăn nuôi nào cũng làm được như anh Quang.

Đồng chí Lưu Ngọc Lễ, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Toàn huyện có tổng đàn gia súc khoảng 38.700 con. Đa phần bà con giữ thói quen chăn thả quảng canh, trong khi diện tích đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp. Thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thay đổi tập quán nuôi thả rong như xây dựng mô hình trồng cỏ voi xen canh dưới giàn táo, nho; tập huấn kỹ thuật hướng dẫn nông dân chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh. Tuy vậy, mô hình chưa thực sự lan tỏa sâu rộng, bà con ở vùng núi, vùng bán sơn địa như Vụ Bổn, Tân Bổn (Phước Ninh), Nhị Hà, Phước Hà vẫn giữ tập quán chăn nuôi thả rong. Vì vậy, nắng nóng kéo dài làm cho đồng cỏ tự nhiên bị khô cháy, thiếu thức ăn cho đàn gia súc trở nên trầm trọng.

Chăn nuôi gia súc ở Thuận Nam càng khó khăn hơn khi mực nước các hồ, đập trên địa bàn đã xuống thấp. Các hồ Suối Lớn, CK7, Bàu Ngứ cạn kiệt; hồ Sông Biêu còn khoảng 5 triệu m3, hồ Tân Giang còn khoảng gần 3 triệu m3. Trước tình hình khô hán, UBND huyện chỉ đạo các xã ngưng sản xuất lúa vụ hè-thu, dự trữ nước ở các đập, hồ phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi. Các ngành chức năng cũng đã cử cán bộ về cơ sở phối hợp với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương vận động nông dân dành quỹ đất trồng cỏ; đồng thời, tổ chức tập huấn tạo nguồn dự trữ thức ăn, cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc trong mùa khô hạn.