Nỗ lực duy trì tăng trưởng
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động, môi trường đầu tư còn thiếu hấp dẫn, nhưng kết thúc quý I-2014, ngành Công nghiệp tỉnh nhà vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 27,39% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 590 tỷ đồng, tăng 21,85%.
Công nhân kỹ thuật Công ty CP Bia Sài Gòn - Ninh Thuận kiểm tra sản phẩm bia lon trên dây chuyền sản xuất.
Ảnh: DA
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Góp phần vào sự tăng trưởng chung đó, ngoài các sản phẩm truyền thống như: Xi-măng đạt 33.458 tấn, tăng 61,78%; hải sản xuất khẩu (tôm đông lạnh) đạt 477 tấn, tăng 38,56%; đường RS đạt 12.861 tấn, tăng 34,92%; tinh bột sắn đạt 5.491 tấn, tăng 51,6%; nhân hạt điều đạt 1.025 tấn, tăng 6,3%; điện thương phẩm đạt 103,6 triệu kWh, tăng 10,33%, còn có sự góp mặt của một số sản phẩm mới như Bia đóng lon đạt 11,35 triệu lít; dệt khăn bông các loại đạt 55 tấn (tăng 9,34%) và gạch không nung đạt 2,6 triệu viên. Đây là những sản phẩm đã duy trì và góp phần tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành rất lớn.
Theo đánh giá của ngành chủ quản, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp ở tỉnh ta bước đầu đã tạo ra những hiệu quả khá rõ nét. Nếu phân theo từng lĩnh vực cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 54,1%, tập trung vào các ngành chủ yếu, như: chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất trang phục, với chỉ số sản xuất tăng 46%. Đứng sau nhóm ngành này là công nghiệp sản xuất, phân phối điện, chiếm tỷ trọng 26%, chỉ số sản xuất tăng 0,7%. Riêng lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, dù chỉ chiếm tỷ trọng 16,2%, tập trung chủ yếu vào hoạt động khai thác đá xây dựng và hoạt động khai thác muối biển, nhưng vẫn đóng góp vào nguồn thu không nhỏ, với chỉ số sản xuất ước tăng 11,12%.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận.
Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2014 đã có trên 70 lượt đoàn nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có trên 15 lượt đoàn thuộc các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư các lĩnh vực thương mại- dịch vụ, du lịch, phong điện, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, thủy sản… Quá đó, tỉnh đã tiếp nhận mới 21 dự án, với tổng vốn đăng ký 17.257 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và 13 dự án chấp thuận địa điểm, nâng tổng số dự án giải quyết trong quý I-2014 là 44 dự án với tổng vốn đăng ký 23.143 tỷ đồng.
Viện dẫn một vài số liệu như vậy để thấy, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nhưng ngành Công nghiệp tỉnh ta vẫn tạo được sức bật mới để vươn lên. Trong đó, đáng quan tâm là các dự án đầu tư mới như: Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú và một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Công ty TNHH May Tiến Thuận..., đang tiếp tục khẳng định vị trí “đầu tàu” của mình, góp phần rất lớn trong việc duy trì đà tăng trưởng chung của ngành.
Kỳ vọng bước tăng trưởng mới
Nhà máy sản xuất Khăn bông Quảng Phú đạt sản lượng bình quân 9,5 tấn/ ngày.
Với mục tiêu đến cuối năm 2014 đưa tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt 2.620 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 29,3% và kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD như kế hoạch đã đề ra, hiện nay ngoài việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai, tỉnh ta còn tập trung đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cũng trong 3 tháng đầu năm 2014, một số dự án trên địa bàn tỉnh đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công như: Khu du lịch sinh thái biển san hô của Công ty TNHH Mỹ Kim Phát; Văn phòng làm việc kết hợp kinh doanh thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH TM-SX Nam Đại Thành; Nhà máy thủy điện Quảng Sơn của Công ty CP Thủy điện Thượng Sông Ông... Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có một số dự án đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào đầu quý II-2014 như dự án Khu khai thác và tuyển quặng sa khoáng Titan-Zircon của Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Ninh Thuận, Trung tâm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh ô tô Nam miền Trung của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung... Với kết quả này thì việc kỳ vọng trong thời gian tới ngành Công nghiệp tiếp tục có bước tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tỉnh là điều có căn cứ.
Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha 1 với công suất 5,4 MW. Ảnh: TL
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Hoan cho biết thêm: Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc tiến hành quy hoạch lại các khu, cụm công nghiệp và ban hành quy hoạch chi tiết về phát triển ngành Công nghiệp đến năm 2020, tỉnh ta ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời xây dựng nhiều “cửa mở” để các doanh nghiệp nội tỉnh mở rộng với thị trường chung của khu vực. Cách làm này không chỉ khuyến khích được các doanh nghiệp trong tỉnh phát huy tốt nội lực, mà còn có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết được với các doanh nghiệp trong, ngoài nước để sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiềm năng công nghiệp phát triển.
Ngoài những dự án lớn có tính đột phá cho tăng trưởng của ngành như đã kể trên, hiện tỉnh ta còn đang “ấp ủ” nhiều dự án lớn như: Các dự án Phong điện, Thủy điện Tân Mỹ, tích năng Bác Ái... Khi đi vào hoạt động, các dự án nói trên sẽ trở thành nguồn lực mới tạo cơ sở để ngành Công nghiệp phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.
Văn Thanh