KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2014):

Những năm tháng không bao giờ phai nhạt

(NTO) Bước sang tuổi 81, đôi mắt không còn nhìn thấy rõ nhưng bà Nguyễn Thị Sen (ảnh), cựu TNXP từng tham gia mở tuyến đường từ Thanh Hóa - Thái Nguyên phục vụ vận chuyển lương thực, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nhớ rõ những hình ảnh hào hùng, khí thế của 60 năm về trước.

 
Bà Nguyễn Thị Sen.

Cách đây 61 năm, bà Nguyễn Thị Sen vừa tròn 20 tuổi, rời quê hương Nghệ An để gia nhập lực lượng TNXP, nhận nhiệm vụ mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ từ Thái Nguyên qua Lạng Sơn. Bà nhớ lại, lúc bấy giờ dụng cụ để khai phá, làm đường đều rất thô sơ, chủ yếu là cuốc xẻng và bàn tay lao động con người. Để giữ bí mật và đảm bảo an toàn trước những đợt máy bay rà quét của địch, TNXP làm việc chủ yếu vào ban đêm nên đã vất vả lại càng vất vả hơn… Giữa rừng núi hoang sơ, ngoài bom đạn còn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết. Đó là những ngày nắng đổ lửa mồ hôi trộn lẫn bùn đất; bữa cơm chỉ có rau rừng, củ mài, đốt lá tranh lấy tro thay muối… hay những đêm mưa dầm dề rét mướt, áo quần không đủ ấm nhưng cả cung đường nóng rực một ý chí quyết tâm đánh giặc... Tất cả đều đồng lòng một hướng, không còn thấy vất vả, khó khăn; không lo sợ hay chùn bước… những chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi tràn trề nhiệt huyết hướng về Điện Biên Phủ, về Bác Hồ và vị tướng Võ Nguyên Giáp, vững niềm tin vào một ngày mai chiến thắng. Và cứ mỗi đêm trôi qua lại có thêm một đoạn đường được mở, những đoàn quân chủ lực, lương thực, đạn dược, khẩu pháo lại đến được gần hơn với Điện Biên…

“Ngày ấy, cả đơn vị TNXP của tôi chưa một ai biết mặt Bác Hồ, nhưng tất cả chúng tôi đều có một niềm tin mãnh liệt vào Người. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là những đêm trăng san đất, mở đường giữa rừng, đồng đội yêu cầu tôi hát đi hát lại những bài hát về quê hương miền Trung, những câu hát, câu thơ như đã ngấm vào máu thịt, không bao giờ phai trong tim tôi… Trong những ngày gian khổ ấy, lời ca, tiếng hát cũng chính là “liều thuốc” giúp chúng tôi xoa tan mệt mỏi, những nguy hiểm, tin tưởng hướng đến ngày mai. Giữa “rừng thiêng nước độc” với vô vàn khó khăn nguy hiểm, có những đêm máy bay địch “quạt” trên đầu, nhưng vì yêu cầu cấp bách, mọi người vẫn lặng lẽ, nhịp nhàng, khẩn trương san lấp, mở đường. Có những nữ TNXP nhút nhát rất con gái, nào sợ đỉa, sợ vắt... nhưng lại gan dạ lạ thường khi băng rừng giữa đêm tối để thăm dò tuyến đường; những cô gái tưởng như yếu ớt nhưng lại có sức khỏe phi thường khi đặt lên vai hằng trăm ký đạn, lương thực và cùng bộ đội, dân công kéo khẩu pháo lên đèo…” – Bà Sen kể.

Bà Nguyễn Thị Sen nói rằng, một trong những giờ khắc thiêng liêng, đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà chính là khi nghe tin bộ đội ta đã đánh chiếm được Đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là cảm giác hạnh phúc, xúc động trào nước mắt. Quyết định tham gia TNXP cũng đã làm thay đổi cuộc đời bà. Từ một cô gái con nhà nghèo, thất học, sau chiến thắng Điện Biên Phủ bà được cử về Hà Nội đào tạo và trở thành y tá để sau này tiếp tục tham gia phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày hòa bình lập lại, bà theo chồng là ông Lê Văn Binh (bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc) vào Ninh Thuận lập nghiệp.

Kỷ niệm 60 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Sen đã tuổi cao, sức yếu, không còn điều kiện để trở về thăm lại chiến trường xưa. Nhưng ký ức về những ngày tháng mở đường, hướng về Điện Biên với bà vẫn không hề phai nhạt. Khi kể lại câu chuyện của mình, bà nắm chặt tay chị Thái Thị Kim Vân, Bí thư Đoàn phường Đô Vinh căn dặn: “Thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, vì hòa bình thống nhất hôm nay. Thế hệ trẻ các cháu phải biết giữ gìn, ra sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh”.