17 giờ 30, ngày 7-5-1954 lá cờ Quyết chiến quyết thắng phất cao trên bầu trời Điện Biên Phủ.
" Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở một góc khuất nào đó trong tâm hồn những người từng trải qua cuộc chiến thì ký ức, quá khứ vẫn thức, vẫn sống động..."
Quê gốc ở thị trấn Nông Cống (Thanh Hóa), tháng 1-1950, ông Ninh nhập ngũ vào Đại đội 281, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 khi mới tròn 21 tuổi. Ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu các trận đánh thuộc chiến dịch Hà- Nam- Ninh năm 1951, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc năm 1952, chiến dịch Thượng Lào 1953 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông nhắc về chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách rất đặc biệt và đầy tự hào. Ông kể: “Tôi còn nhớ như in cái ngày được huấn luyện ở Phú Thọ. Khi chúng tôi đang bện người rơm để tập chiến đấu thì tướng Võ Nguyên Giáp cưỡi ngựa tới thăm đơn vị. Đại tướng kiểm tra từng người rơm xem bện đã chặt chưa và động viên anh em nỗ lực luyện tập. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng- Người mà sau này đã truyền cảm hứng chiến đấu lớn nhất cho tôi và các anh em Đại đoàn 308 trong trận đánh Điện Biên Phủ”. Tới đây, mạch chuyện đưa người chiến sĩ Điện Biên năm nào trở về ngày 7-5-1954 lịch sử. Trên những bước chạy dồn dập vào khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, dưới làn “mưa bom, bão đạn”, ông Ninh nhìn những người đồng đội ngã xuống, niềm căm phẫn lại đổ dồn lên những bước chân và đầu ngọn súng, ông và những người đồng đội còn sống phải “gạt lòng” để tiếp tục lao về phía trước. Ông Ninh nói mình không quên được giây phút nhìn thấy lá cờ quyết chiến- quyết thắng của Hồ Chủ tịch phất phới tung bay trên sở chỉ huy hầm Đờ Cát, tướng Đờ Cát bị bắt sống cùng với toàn bộ tham mưu của y, quân địch ở Điện Biên Phủ “lếch thếch”, lũ lượt kéo nhau ra hàng. Tôi hỏi ông cảm xúc ngày giải phóng Điện Biên, ông Ninh “văn vẻ” đọc lên đoạn thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu như một câu trả lời mà cả ông và tôi đều nghĩ- Thế là đủ:
“Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như
Huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!”
Sau kháng chiến chống Pháp, ông và những người đồng đội của mình lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tới đây, ông Ninh rưng rưng ánh mắt nhớ thương những người bạn đã hy sinh trong chiến đấu, ông “trở” ánh nhìn “hoài niệm” của mình về một bức ảnh hiếm hoi ông chụp cùng với một vài đồng đội cũ trong “Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước” tại Hà Nội năm 1968. Cũng trong lần Đại hội này, ông đã may mắn gặp được bà Phạm Thị Hồng Tiến, lúc này là người vợ đang ngồi cạnh mình.
Vợ chồng ông bà Trần Văn Ninh và Phạm Thị Hồng Tiến.
Bà Tiến sinh năm 1944, cùng quê với ông Ninh. Có năng khiếu hát, làm thơ, tự biên tự diễn nên bà tham gia vào đoàn văn công của quân đội năm 1965, đem lời ca tiếng hát của mình theo chân những người lính Cụ Hồ đi khắp các chiến trường vào Nam ra Bắc. Bà Tiến tâm sự: “Lớp thế hệ chúng tôi ngày ấy làm gì được học hành thanh nhạc, chỉ biết hát với lòng nhiệt huyết, niềm đam mê. Vào thời điểm ác liệt, cái chết luôn rình rập và lơ lửng trên đầu, chúng tôi vẫn hát vang mà không lo sợ, có khi vừa dập hố bom xong là lại lên hát, chỉ mong sao có thể “truyền lửa” cho phong trào, cho các chiến sĩ hết mình vì tiền tuyến để chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc thân yêu”. Bà kể về một kỷ niệm lần hát cho Bác Hồ nghe ở Hà Nội, hát xong Bác tươi cười nói “Cháu nào thích ăn kẹo thì giơ tay, Bác phát kẹo”. Chỉ chờ có thế, bà và các chị em trong đội văn nghệ giơ tay “nháo nhào” bởi ai cũng mong muốn được nhận quà từ Bác, Bác còn động viên tinh thần bằng cách gọi cả đội “là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng” khiến ai nấy phấn khởi, như được tiếp thêm sức lực.
Vợ chồng ông bà Trần Văn Ninh và Phạm Thị Hồng Tiến vào Phan Rang cho gần gũi 2 người con đã được gần 10 năm nay. Thấy Ninh Thuận thân thương ngày một đổi mới và phát triển, ông bà đã chọn nơi đây như là điểm dừng chân cuối cùng trong suốt một chặng đường dài lao động và chiến đấu. Chia tay ông bà trong sự nuối tiếc, tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời bình, đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển; lại thấy bản thân cần phải biết “Sống mà nhớ lấy”, đừng để cho “Với bao nỗi toan tính hối hả trong thời bình, mỗi con người chúng ta có lẽ đôi khi cũng là một cánh rừng cỏ lau giàu sức sống, rất chóng lãng quên những người lính đã ngã xuống” (Cỏ lau – Nguyễn Minh Châu). Lãng quên quá khứ, quên những bài học xương máu của lịch sử sẽ dẫn tới một thảm họa tinh thần “còn khủng khiếp hơn cả thảm họa Trecnôbưn”, theo cách nói của Rasputin (tác giả “Sống mà nhớ lấy” ).
Nguyễn Tuyến