Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ấy, nước được coi là tài nguyên quý giá và việc duy trì nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản là một trong những ưu tiên hàng đầu của địa phương.
Nước ngầm không có dấu hiệu bị ảnh hưởng
Trở lại vùng đất dự định khai thác tận thu ti-tan ở phía Bắc thôn Sơn Hải 1 (Phước Dinh) để tìm hiểu sự thật về việc sử dụng nguồn nước ngầm. Theo đồng chí Nguyễn Tấn Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kết quả thăm dò nước dưới đất của Công ty TNHH MTV Quang Thuận, có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên của Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và đơn vị tư vấn, cho thấy có thể khai thác tổng lượng nước 2.000 m3/ngày đêm mà không gây ảnh hưởng đến mực nước ngầm tại khu vực khai thác rộng 19,3 ha.
Vùng đầm nuôi trồng thủy sản Sơn Hải.
Nhưng thận trọng hơn, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ cấp phép khai thác tổng lượng nước 1.500 m3/ngày đêm tại 3 giếng khoan, nên càng không gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế việc khai thác tận thu titan chưa triển khai nên không liên quan gì tới hiện tượng nguồn nước ngầm đang tụt giảm hoặc ô nhiễm ở các thôn Sơn Hải.
Cùng nhận xét trên, đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Dinh khẳng định: “Cho đến khi xảy ra sự việc phản đối bằng các hành vi quá khích của một số người dân, Công ty TNHH MTV Quang Thuận vẫn chưa có bất kỳ hoạt động khai thác nào, vì vậy chẳng có gì ảnh hưởng đến nước ngầm hoặc các giếng nước. Có lẽ những người tụ tập yêu cầu đình chỉ khai thác tận thu titan là do sợ sẽ xảy ra các sai sót làm tác động môi trường như năm 2012”. Đi dạo trong các thôn Sơn Hải 1, Sơn Hải 2, chúng tôi ghi nhận đời sống của các xóm dân cư không hề bị xáo động về nước sinh hoạt. Hỏi thăm một chị phục vụ cho tốp công nhân đang thi công tuyến đường nối từ con đường ven biển vào Sơn Hải 1, chúng tôi được biết họ vẫn lấy nước từ các xe bồn trong làng chở ra, nước vẫn trong vắt và không hề có hiện tượng nước nhiễm đen. Thực ra vào mùa khô, giếng nước gần sát biển hoặc nằm cạnh các khu nuôi tôm ở 2 thôn Sơn Hải thường bị nhiễm mặn, nhưng đó là chuyện bình thường và nguyên nhân được chỉ rõ do việc khai thác nước ngầm nuôi tôm.
Khơi nguồn nước sinh hoạt từ hồ Núi Một
Tuy nhiên, người dân các thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 vẫn đang đối mặt với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt và khan hiếm nguồn nước ngầm mùa khô hạn. Trước đây khi chuẩn bị cấp phép cho doanh nghiệp khai thác tận thu titan, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng hệ thống nước sinh hoạt dẫn về từ hồ Núi Một, thời gian thực hiện từ 2014-2016. Dự án có tổng mức đầu tư 29,7 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 27,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2 tỷ đồng, còn lại là vốn ngành Điện lực tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh cho biết: “Khó khăn hiện tại là do nguồn vốn bố trí 10,5 tỷ đồng quá ít, nhưng trước thực trạng khan hiếm nước sinh hoạt của người dân 2 thôn Sơn Hải, chúng tôi quyết tâm triển khai dự án sớm”. Theo đó, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh xin UBND tỉnh cho cơ chế đấu thầu toàn bộ công trình thay vì đấu thầu trong nguồn vốn đang bố trí. Hiện nay Trung tâm đang xúc tiến xây dựng thiết kế kỹ thuật để trong tháng 5 hoặc 6 này sẽ tổ chức đấu thầu, nếu không có gì thay đổi cuối quý 3 sẽ tiến hành thi công và nếu suôn sẻ, phấn đấu hoàn thành công trình vào ngày 30-6-2015.
Theo thiết kế, công trình nước sinh hoạt gồm có khu xử lý, trạm bơm cấp 1, các bể (lắng, lọc, chứa), hệ thống bơm định lượng, hệ thống điện hạ áp, đường ống chính dài 8.655 m và 51 tuyến ống nhánh tổng cộng 13.000 m. Một khi hoàn thành, các đường ống sẽ chạy ngang trước nhà, người dân chỉ có việc lắp đặt đường ống dẫn nước vào nhà sử dụng. Sơn Hải 1, Sơn Hải 2 có khoảng trên 6.000 dân, nhưng công trình nước sinh hoạt này có khả năng cung cấp cho 9.000 dân với công suất bình quân cho mỗi người 80 lít/ngày đêm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, trước thực trạng nguồn nước ngầm tụt giảm và một số giếng có dấu hiệu nhiễm mặn ở Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã ngưng triển khai 1 dự án nước sinh hoạt ở 1 xã miền núi để tập trung nguồn lực đầu tư cho công trình này với quyết tâm vượt khó, rút ngắn nửa thời gian thi công.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thanh Bình phấn khởi nói: “Trước nguy cơ giảm dần tài nguyên nước ngầm, thông tin tỉnh sẽ triển khai dự án nước sinh hoạt, người dân các thôn Sơn Hải rất háo hức. Tôi tin rằng khi dự án tiến hành, người dân với tư cách người trực tiếp hưởng lợi sẽ ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận tiện cho việc thi công”. Có sự hợp tác của người dân, dự án nước sinh hoạt chắc chắn sẽ hoàn thành đúng thời gian dự kiến.
Bạch Thương