Bảo đảm an toàn giao thông

(NTO) Giao thông nông thôn đang là “điểm đen” của an toàn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, chỉ thời gian ngắn đầu năm nay, có tới 70% số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn, đường liên huyện, liên xã và chủ yếu liên quan tới người điều khiển xe gắn máy.

Còn tính rộng ra cả năm 2013 vừa qua, tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn nông thôn chiếm 29,3% số vụ tai nạn trên cả nước. Có thể nêu ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nông thôn tăng: Thứ nhất là do mặt đường làng tốt hơn khi được bê tông hóa nên xe đi nhanh hơn, song bề ngang thì vẫn hẹp, tầm nhìn hạn chế, thiếu biển báo nên dễ xảy ra va chạm. Thứ hai là ý thức và kiến thức về Luật Giao thông của người tham gia giao thông kém. Thứ ba là phương tiện giao thông cũ nát, không đủ tiêu chuẩn vẫn được lưu hành. Thứ tư là thiếu lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Có thể thấy nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là ý thức, kiến thức, kỹ năng của người tham gia giao thông. Về các vùng quê, ta thấy người đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm đi lại điềm nhiên; không có giấy phép lái xe và không biết Luật Giao thông đường bộ; đi xe gắn máy “kẹp ba”, “kẹp bốn”, mặt phừng phừng vì bia, rượu, vít ga, đánh võng; trẻ em tan học đi xe dàn hàng ngang, túm năm, tụm ba đùa giỡn…

Để sớm hạn chế tai nạn giao thông tại vùng nông thôn, trước hết phải nâng cao kiến thức, ý thức về Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Các trường học phải tăng các tiết học về an toàn giao thông. Giáo dục an toàn giao thông nên được đưa vào các buổi sinh hoạt tại địa phương. Song song với quá trình bê tông hóa đường giao thông, cần phải khuyến khích nhân dân hiến đất để mở rộng đường ngõ xóm, kèm theo đặt các biển báo, hạn chế tốc độ, vạch giảm tốc, đặt gương cầu ở những nơi nguy hiểm, hạn chế góc khuất…

Đáng nói là hiện nay, lực lượng tuần tra của cảnh sát giao thông chỉ bố trí ở quốc lộ, tỉnh lộ và cùng lắm là huyện lộ. Đường liên xã, liên thôn gần như bỏ ngỏ, thiếu hẳn sự kiểm soát về giao thông. Có người đề nghị lực lượng tuần tra của cảnh sát giao thông phải xuống tận cấp xã. Nhưng đây là điều không dễ làm, khó làm thường xuyên. Tốt hơn hết, kiểm soát an toàn giao thông phải là trách nhiệm của công an xã, dân phòng, dân quân, phối hợp với các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương. Các lực lượng này cần “thượng tôn pháp luật”, tránh nể nang người cùng làng xã để xử lý nghiêm các vi phạm. Cùng với đó, nên ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã với việc bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn… Làm như thế, có lẽ tai nạn giao thông nông thôn sẽ giảm đi nhiều.