Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng vậy. Có dịp công tác tại xã biển Cà Ná (Thuận Nam) điều làm chúng tôi ngạc nhiên đó là chỉ mới hơn 5 năm hoạt động sau khi tách ra từ xã Phước Diêm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã tính đến cuối năm 2013 chỉ còn 3,1% và năm 2014 này tiếp tục phấn đấu giảm còn 2,9%. Theo lời Bí thư xã Trương Ngọc Luân thì đây sẽ là con số “kịch sàn”, bởi lẽ những hộ “rơi” vào diện nghèo chủ yếu là già yếu, neo đơn không còn khả năng lao động để tự lo cuộc sống…
Nghề chế biến nước mắm truyền thống của ngư dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam
Ảnh: Sơn Ngọc
Nếu chỉ nhìn vào con số nêu trên thì rất đơn giản nhưng để làm nên con số đó quả là chuyện không giản đơn chút nào. Toàn xã có trên 1.780 hộ dân với gần 9.140 nhân khẩu. Trong số này có đến 60% là lao động biển, 20% làm nghề chế biến hải sản và tiểu thủ công nghiệp. Một bộ phận khác làm nghề nông. So với nhiều vùng biển Cà Ná có lợi thế là 3/5 thôn nằm dọc Quốc lộ 1A, có cảng cá Cà Ná tập trung phần lớn tàu thuyền trong và ngoài xã neo đậu… Nắm bắt lợi thế này những năm qua lãnh đạo xã đã có nhiều giải pháp để khai thác nguồn lực địa phương. Đó là định hướng trong phát triển nghề cá với tàu lớn, đánh bắt dài ngày gắn với tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá. Đó là gắn khai thác với định hướng phát triển chế biến phù hợp để tăng giá trị kinh tế, hạn chế bán nguyên liệu “thô” giá thấp, bấp bênh đầu ra như chế biến cá hấp, nước mắm… Chỉ tính riêng trong quí I năm nay với tổng sản lượng khai thác trên 10.000 tấn hải sản thì đã có trên 8.000 tấn đưa vào chế biến. Ngoài ra, tận dụng lợi thế của địa phương nhiều hộ đã phát triển nuôi tôm, lập cơ sở sản xuất tôm giống; chăn nuôi gia súc có sừng… Từ chỗ xác định được nguồn lực tại chỗ, huy động nguồn lực đầu tư bên ngoài. Có thể nói lãnh đạo xã đã “uyển chuyển”, gắn thu hút nguồn lực với khai thác, sử dụng có hiệu quả đó là tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển, giải quyết việc làm cho lao động và nhờ đó đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng giảm hộ nghèo, xóa hộ đói tại địa phương như đã nói trên.
Từ thực tế ở Cà Ná, điều chúng tôi muốn nói là vẫn có không ít địa phương chỉ mới chú trọng đến kêu gọi, thu hút nguồn lực (tài nguyên, đất đai…) nhưng lại chưa có phương án cụ thể để sử dụng, khai thác nguồn lực để đem lại lợi ích cho người dân bằng các công trình phúc lợi xã hội, bằng việc làm và thu nhập…
Chủ động nguồn lực và khai thác nguồn lực cần phải gắn kết với nhau mới thực sự đem lại hiệu quả. Thực tế Cà Ná cũng đáng để nhiều địa phương suy ngẫm.
Tuấn Dũng