Khi lòng trắc ẩn bị lợi dụng

(NTO) Lòng trắc ẩn, thương người là sự mở lòng, cảm thông giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn mình, là tự đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận được sự khó khăn, nỗi đau, sự bất hạnh mà họ phải chịu đựng. Đây là một lối sống đẹp mà mỗi chúng ta cần hướng tới, nhất là với cuộc sống hiện đại ngày nay khi mà lối sống vội, sống gấp khiến người ta dễ thờ ơ, vô cảm với mọi thứ.

Tuy nhiên, đáng buồn vì đâu đó còn có trường hợp lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác mà vô tình làm lòng tin bị tổn thương, dẫn đến người ta không tin tưởng nhau. Nhưng sẽ ra sao nếu lòng trắc ẩn bị tổn thương và biến mất?

Đang loay hoay để mở ví trả tiền xăng, đột nhiên thấy có một bàn tay khẳng khiu sạm đen, gầy gò của một bé gái chìa ra trước mặt tôi cùng giọng nói lí nhí” “Con còn 2 tờ cuối cùng, cô mua dùm con…”. Giọng nói yếu ớt nghe sao lạc lõng giữa con phố ồn ào, mới nghe đã thấy thương rồi. Tôi nhìn kỹ, cô bé trạc tuổi con gái mình, dáng người nhỏ thó, lem luốt, trên mình còn nguyên bộ đồ thể dục trường tiểu học A, đặc biệt trên trán em còn dán miếng dán hạ sốt. Thế là thương, thương cho một số phận long đong, lận đận vì lẽ ra ở tuổi này, em phải được ở nhà để cha mẹ chăm sóc, được học hành tử tế và được vui chơi cùng chúng bạn. Đằng này, “con còn hai tờ cuối cùng…” nghĩa là nếu bán hết hai tờ này, em sẽ phải không còn đi lang thang khắp phố để tiếp tục bán cho đến hết. Trường hợp không bán được có thể em trả lại “hai tờ cuối cùng” cho đại lý, nếu như vậy thì chắc chắn em sẽ bị hụt tiền lời và càng thương em nhiều hơn bởi mới bằng tuổi con gái mình mà đã phải gánh trên vai gánh mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn. Bởi vậy hôm nay tôi rất mong em được về sớm, vì biết đâu có một mái ấm nào đó đang chờ đón em. Không chút do dự, tôi móc tiền mua ngay hai tờ vé số cuối cùng cho em và không quên trò chuyện: “con sốt sao không ở nhà nghỉ ngơi mà đi bán lỡ xảy ra chuyện gì thì sao?”, cô bé đáp trả: “dạ, tại mẹ con bệnh nặng không đi làm được”…

Tra chìa khóa vào xe, đang định đề máy thì tôi nghe sau lưng giọng nói quen quen: “Con còn 2 tờ cuối cùng, cô mua dùm con…”. Tôi quay lại bắt gặp hình ảnh lúc nãy…Đứng nép vào một góc, tôi quan sát, sau khi bán xong, cô bé lên xe gắn máy của một phụ nữ trung niên chở đi và tiếp tục bán ở một quán ăn gần đó. Tôi cho xe chạy đi, lòng đầy hẫng hụt, như thể mình vừa đánh mất một cái gì đó rất quí giá. Dẫu biết đằng sau xấp vé số là hàng trăm số phận đáng thương, tuy nhiên tôi cảm thấy giận những người lớn kia, họ không biết rằng, họ đã vô tình giết chết tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên của những đứa trẻ, khi dạy cho chúng cách “bài bản” phải nói thế nào, phải van nài ra sao để trình diễn một tình cảnh đáng thương; đó là chưa kể, không được học hành, mà chỉ lo luyện tập một kỹ thuật để đánh lừa lòng trắc ẩn của người khác, hành vi của những đứa trẻ này (và sẽ là người lớn của ngày mai), sẽ ảnh hưởng thế nào đối với xã hội?

Hay như trường hợp người thanh niên suốt ngày lê lếch nơi đầu đường, xó chợ với thân hình lỡ loét, hoặc những cụ già ra chiều thống khổ đi trong cái nắng như thiêu đốt của Phan Rang nhằm làm động lòng trắc ẩn của thiên hạ mà đem tiền về cho mình, để rồi đến khi bắt gặp tôi mới tá hỏa, trong khi họ cũng sử dụng điện thoại di động, cũng có xe gắn máy và con cháu đưa đón như ai.

Qua các câu chuyện trên, khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện chú bé chăn cừu được học hồi nhỏ; đàn cừu của chú bị mất dần chỉ vì chú đã trót lừa dân làng nhiều lần trước đó. Đến khi con sói thật đến thì không một ai tin và giúp đỡ chú nữa. Câu chuyện của chú bé chăn cừu và các trường hợp trên cho thấy dù mục đích của người trong cuộc khác nhau nhưng mang tới cùng một hệ quả là lòng tin và lòng trắc ẩn bị tổn thương.

Một khi lòng tin bị tổn thương thì người ta có thể không tin tưởng nhau, người với người chạm mặt nhau nhưng vẫn hoàn toàn vô cảm.

Đây không phải là nỗi e ngại của riêng tôi, bạn bè và người thân của tôi, không ít người cho rằng biết là có thể mình bị lừa nhưng chẳng đành lòng trước những mảnh đời bất hạnh. Bao giờ cũng vậy, gặp những đứa trẻ cơ nhỡ ăn lang thang cơ nhỡ hoặc cụ ông cụ bà phải xiêu vẹo từng quán ăn, gốc phố là tôi lại dừng xe, trao cho đôi ba nghìn, số tiền không nhiều nhưng biết đâu đó họ sẽ có thêm bữa ăn tươm tất.

Và tôi nhớ hoài cái hình ảnh một cô gái chừng đôi mươi, ôm đứa con thơ hay lang thang khu chợ gần nhà tôi, tìm hiểu mới biết thần kinh cô ta không ổn định, "tới đâu là nhà ngã đâu là giường", rồi chuyện không may đến với cô, từ đó cô trở thành người mẹ bất đắc dĩ. Lúc mê, khi tỉnh; lúc tỉnh cô chăm sóc con mình chu đáo, cho ăn cho uống; lúc mê cô ngồi vu vơ để con ăn uống bẩn thỉu, để rồi lúc tỉnh lại ôm con khóc, rồi lại chơi oản tù tì với con. Dù hoàn cảnh có lỡ làng đến đâu, có trớ trêu đến mấy, nhưng cái tình mẫu tử ruột thịt mà người mẹ không tỉnh táo này dành cho con thật đẹp. Nếu vì cảnh giác mà vội xua tay trước những hoàn cảnh đáng thương, thì tôi đã bỏ qua một nét đẹp rất đỗi đời thường như thế. Vậy nên tôi luôn dặn lòng, mở mắt, vô tư trước cuộc đời để nhìn nhận đúng, sai và để lòng trắc ẩn không bị chai sờn theo năm tháng.