Thế giới tuần qua

1.Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân lần thứ 3 diễn ra tại La Haye (La Hay), Hà Lan với sự tham gia của lãnh đạo 53 quốc gia và Tổng Thư ký LHQ, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Chủ tịch Liên hiệp châu Âu (EU). Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: ”Trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân toàn cầu”.

 
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và các nhà lãnh đạo các quốc gia dự Hội nghị cấp cao An ninh
hạt nhân lần thứ 3.

Cũng trong chuyến công du châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) tham dự Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân tại Hà Lan, ông Obama cùng đồng nghiệp thảo luận hợp tác đa phương đối phó thách thức về phổ biến vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, tại cuộc gặp các lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Mỹ cũng ráo riết thúc đẩy các đồng minh lập “mặt trận chung” nhằm đưa ra các biện pháp trả đũa Nga khi bán đảo Crimea (Crưm) trở thành một chủ thể thuộc Liên Bang Nga một cách chóng vánh và quyết liệt. Nhưng đây không phải là điều dễ dàng, bởi lợi ích kinh tế với Nga khiến EU thận trọng trong các động thái chống Moskva (Mát-xcơ-va)

2.Tòa án Hiến pháp Thailand (Thái Lan) đã phán quyết hủy hiệu lực cuộc bầu cử Hạ viện hôm 2-2 và yêu cầu tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử mới đã không được đảng phái nào ủng hộ.

Quyết định của Tòa án Hiến pháp đã giải đáp được thắc mắc về tính hợp hiến của cuộc bầu cử “gây tranh cãi” ở Thailand vừa qua, nhưng những câu hỏi mới được đặt ra: Khi nào cuộc tổng tuyển cử mới được tổ chức, và liệu kết quả của nó có giải quyết được bế tắc chính trị ở Thailand hay không? Lực lượng đối lập của Thailand nối lại các cuộc biểu tình ở Thủ đô Bangkok (Băng-cốc), trong khi đó, phong trào “Áo đỏ” ủng hộ Chính phủ cũng lên kế hoạch biểu tình lớn trong thời gian tới.

3.Sau 12 năm phát động chiến tranh, Mỹ và đồng minh NATO gấp rút thực hiện kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan (Áp-gha-ni-xtan) vào cuối năm nay. Cái lý đưa ra để khỏi bị mang tiếng “bỏ mặc” Afghanistan, các bên tham chiến cho rằng lực lượng nước sở tại đã đủ khả năng “tự đảm đương nhiệm vụ bảo đảm an ninh đất nước”. Còn chính quyền và nhân dân nước sở tại lại thất vọng về kết quả chống khủng bố của Mỹ và NATO nên cũng chẳng tha thiết giữ chân lực lượng nước ngoài. Trong khi đó, lực lượng Taliban (Ta-li-ban) ở Afghanistan vẫn đang tiến hành những vụ tấn công đẫm máu nhằm vào các mục tiêu dân sự. Vấn đề bảo đảm an ninh cho Afghanistan vẫn đang là thách thức lớn.