Tham gia chiến dịch chống Moskva do lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine chỉ có Mỹ và một số đối tác châu Âu. Ở châu Á, nhiều nước đã không tham gia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga. Điều này có nghĩa là, dù Tokyo và Moskva chưa ký kết hiệp ước hòa bình và chưa giải quyết vấn đề lãnh thổ, nhưng Nhật Bản vẫn không muốn tham gia chiến dịch của phương Tây kêu gọi "kiềm chế Nga" ở bất cứ nơi nào có thể.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng không bày tỏ dù một lời ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Moskva. Với tư cách Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Bắc Kinh hiểu rõ rằng chỉ có các biện pháp trừng phạt quốc tế do HĐBA LHQ thông qua mới được coi là hợp pháp. Phía Trung Quốc nhận thức rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ phức tạp hơn nhiều so với cách diễn đạt của các đối tác phương Tây và Bắc Kinh không có ý định hành động thiếu cân nhắc như Mỹ và các đối tác ở phương Tây đã làm. Về phần mình, Ấn Độ tuyên bố không thể chấp nhận chính sách mới nhằm răn đe Moskva theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin chính phủ cho biết New Delhi sẽ không ủng hộ các biện pháp của phương Tây gây áp lực đối với Nga vì theo nguyên tắc, nước này không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon (Si-san-ca Mê-non) còn khẳng định Nga có lợi ích hợp pháp tại Ukraine.
Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt quốc tế cần có sự đồng thuận và hành động thống nhất của tất cả các quốc gia trọng trách trên thế giới cũng như được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan quốc tế và cơ quan quốc gia có thẩm quyền. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chống lại Nga rõ ràng không đáp ứng các tiêu chí đó. Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và rất nhiều nước châu Á không tham gia chiến dịch này.
Theo TTXVN