1. Cuộc khủng hoảng ở U-crai-na đã bước sang giai đoạn mới sau sự kiện nước CH tự trị Crưm tuyên bố độc lập và sáp nhập vào Nga. Trong khi chính quyền Crưm và Nga xúc tiến các bước thúc đẩy tiến trình sáp nhập, Mỹ và EU ráo riết công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới chức Nga và Crưm. Tổng thống Pu-tin cũng đang cân nhắc các biện pháp trừng trị nhằm vào giới chức Mỹ và EU nhằm đáp trả hành động tương tự từ Mỹ và EU. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun bày tỏ quan ngại về tình hình tại Crưm, cuộc khủng hoảng chính trị ở U-crai-na; một lần nữa kêu gọi các bên ở U-crai-na kiềm chế, tiến hành đối thoại hướng tới giải pháp hòa bình. Hội đồng Bảo an LHQ cũng nỗ lực tham vấn nhằm triệu tập phiên họp thảo luận về tình hình U-crai-na đầu tiên sau sự kiện trưng cầu ý dân ở bán đảo Crưm. Cộng đồng quốc tế cũng có những phản ứng trái chiều về việc Nga tiếp nhận Crưm. Trong khi Mỹ và EU phản đối mạnh mẽ quyết định của Nga và CH tự trị Crưm, coi đó là hành động vi phạm luật quốc tế và sẽ có hành động đáp trả, thì trái lại, đối tác lớn của Nga ở Châu Á là Trung Quốc lại bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Crưm sau khi bán đảo này khôi phục ổn định; còn Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la lên tiếng chỉ trích các kế hoạch của Mỹ và phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế Nga…
Chủ tịch Thượng viện Chi-lê Isabel Allende choàng dải băng Tổng thống cho bà Michelle Bachelet.
2. Xu hướng cánh tả liên tiếp lên ngôi ở khu vực Mỹ La-tinh, được Tổng thống Ê-cu-a-đo (Ecuador) R.Cô-rê-a (R.Correa) khẳng định: Khu vực này tiếp tục xu hướng phát triển tiến bộ, bất chấp các cuộc tấn công của chủ nghĩa đế quốc. Theo Tổng thống R.Cô-rê-a-người đang thúc đẩy “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” tại Ê-cu-a-đo, đồng thời là nhà lãnh đạo cánh tả có uy tín rất cao ở trong nước cũng như khu vực thì xu hướng tiến bộ đang được tăng cường tại Mỹ La-tinh với việc các nhà lãnh đạo cánh tả X.Xê-rênh (S.ceren) đắc cử Tổng thống En Xan-va-do (El Salvador), bên cạnh việc các nhà lãnh đạo của Ni-ca-ra-goa (Nicaragua), Bra-xin (Brazil) và U-ru-goay (Uruguay) đều là các cựu du kích. Trong đó, nổi bật là sự trở lại cương vị Tổng thống Chi-lê (Chile) của nữ lãnh đạo cánh tả M.Ba-chê-lê (M.Bachelet) và cho biết bà sẽ phát động khoảng 50 sáng kiến vế thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong 100 ngày đầu tiên trở lại nắm quyền.
3. Chính phủ tạm quyền Thái Lan của Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt (Yingluck Shinavatra) vừa ra quyết định bãi bỏ trước thời hạn Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 2 tháng qua tại thủ đô Băng-cốc (Bangkok) và các vùng lân cận trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lắng dịu. Chính phủ Thái Lan cũng đang đứng trước sức ép từ khối doanh nghiệp phải dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp để thu hút du khách trở lại nước này. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan nói việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp sẽ giúp lấy lại lòng tin của du khách, giúp hồi sinh ngành Du lịch-một trong những ngành kinh tế đầu tàu của nước này.
P.V