• Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm trên lãnh thổ nước này
• Hải quân Mỹ ngừng hoạt động tìm kiếm
Ngoài động cơ khủng bố, các điều tra viên Malaysia cũng đang tập trung nhiều vào khả năng máy bay MH370 biến mất là một phần trong âm mưu tự sát của phi công, đặc biệt là sau khi kết quả điều tra sơ bộ cho thấy câu nói "All right, good night" (Được rồi, chúc ngủ ngon) - câu nói cuối cùng được ghi lại trong buồng lái MH370 được truyền tới đài kiểm soát không lưu là của viên cơ phó.
Nghị sĩ Pete King (Pít Kinh), Chủ tịch Tiểu ban An ninh Nội địa về Chống khủng bố và Tình báo của hạ viện Mỹ phán đoán rằng người có ý định tự sát "muốn thoát xa và đáp xuống nơi xa nhất và sâu nhất của đại dương", song ông cũng nhấn mạnh nếu chưa tìm được xác máy bay thì chưa thể kết luận đây là một vụ tự tử.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin cho biết cảnh sát đang điều tra kỹ lưỡng hành vi của các thành viên phi hành đoàn trong những ngày trước chuyến bay, khám xét nhà riêng của cơ trưởng và cơ phó. Ngoài ra, một hành khách trên chuyến bay mất tích - kỹ sư hàng không Mohd Khairul Amri Selamat (Mốt Khai-run Am-ri Xê-la-mát), 29 tuổi, công dân Malaysia, cũng nằm trong diện bị điều tra. Malaysia cũng đã yêu cầu tất cả các nước có công dân trên chuyến bay MH370 cung cấp hồ sơ chi tiết về các hành khách. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Zahid Hamidi (Da-hít Ma-mi-đi) cho biết Kualar Lumpur sẽ công bố chi tiết kết quả điều tra hộ chiếu bị đánh cắp do hai hành khách Iran sử dụng vào "một thời điểm thích hợp". Theo dữ liệu từ vệ tinh, chiếc máy bay bị mất tích hiện có thể nằm trong hành lang phía Bắc Ấn Độ Dương - trải dài từ Lào tới biển Caspian (Ca-xpi) hoặc phía Nam Ấn Độ Dương - từ Tây đảo Sumatra (Xu-ma-tơ-ra) của Indonesia đến Tây Australia.
Chính phủ Malaysia đã gửi công hàm ngoại giao tới những nước có liên quan trong chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Hiện đã có 26 nước tham gia chiến dịch tìm kiếm này và Malaysia vẫn đang là nước đứng đầu tổ chức phối hợp tìm kiếm, trong khi Australia và Indonesia đã đồng ý chỉ đạo các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trong khu vực của các nước này theo phân định ranh giới của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Ngày 18-3, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Hoàng Huệ Khang (Huang Huikang) cho biết Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm-cứu nạn chuyến bay số hiệu MH370 dọc khu vực hành lang phía Bắc thuộc lãnh thổ nước này.
Đại sứ Hoàng Huệ Khang cho biết thêm Trung Quốc đã điều tra lý lịch của tất cả số hành khách mang quốc tịch Trung Quốc trên chiếc máy bay mất tích và kết luận không có bằng chứng cho thấy họ liên quan tới không tặc hay hành vi tấn công khủng bố trên máy bay. Hiện Trung Quốc đã triển khai hơn 10 tàu tìm kiếm chuyên nghiệp, huy động nhiều máy bay và 21 vệ tinh đồng thời yêu cầu các tàu thương mại đăng kiểm Trung Quốc qua lại các vùng biển liên quan cùng tham gia công tác tìm kiếm. Trước đó, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết lực lượng vũ trang nước này sẽ cử hai máy bay tham gia hoạt động tìm kiếm MH370, trong khi Chính phủ New Zealand cũng đã điều một máy bay P3 Orion tới Australia để hỗ trợ tìm kiếm trên khu vực Ấn Độ Dương.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ngày 17-3 thông báo USS Kidd, tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, cùng các trực thăng MH-60R đã hoàn tất công tác tìm kiếm trên biển Andaman (An-đa-man) và chính thức ngừng các nỗ lực tìm kiếm tại đây từ ngày 18-3, sau khi không phát hiện thấy mảnh vỡ nào liên quan tới chiếc máy bay mất tích. Mặc dù vậy, Washington vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm mở rộng ở Nam Ấn Độ Dương, với máy bay tuần tra tầm xa như P-8A Poseidon và P-3C Orion. Bao quát phạm vi tới 15.000 dặm2 trong một chuyến bay kéo dài 9 tiếng, P-8 và P-3 có thể tìm kiếm những khu vực rộng lớn với các radar (ra-đa) rà soát bề mặt và thiết bị cảm biến quang điện cùng khả năng bay tầm thấp để nhận dạng khi cần".
Theo TTXVN