Thế giới tuần qua

 1. Sức nóng ở Ukraina (U-crai-na) đang tăng lên khi Nghị viện nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) thuộc Ukraina thông qua tuyên ngôn độc lập và trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Bản tuyên ngôn độc lập nhấn mạnh, nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 16-3 này đưa ra quyết định nước CH tự trị Crimea, trong đó có thành phố Sevastopol (Sê-va-xtô-pôn) sáp nhập vào Nga, Crimea sẽ tuyên bố trở thành nhà nước độc lập có chủ quyền theo mô hình nước Cộng hòa tự trị và sẽ đề nghị LB Nga kết nạp Crimea thành chủ thể liên bang mới theo hiệp ước giữa các quốc gia tương ứng.

 
Việt Nam tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay bị mất tích.

Liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý của Crimea về việc sáp nhập vào LB Nga, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (G.Ke-ri) cho rằng, đây là hành động bất hợp pháp vì không được chấp nhận của chính quyền Trung ương tại Kiev (Ki-ép). Washington (Oa-sinh-tơn) cũng cảnh báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu Moskva (Mát-xcơ-va) vượt “giới hạn”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nêu rõ: “Bộ Ngoại giao Nga coi quyết định của Crimea là hoàn toàn hợp pháp”, và nhấn mạnh “Tuyên ngôn độc lập của nước CH tự trị Crimea và thành phố Sevastopol” đã dựa trên Hiến chương LHQ và các văn kiện quốc tế khác. Lúc này, Hội đồng bảo an LHQ cũng đã họp khẩn cấp về tình hình khủng hoảng Ukraina.

2. Các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không quốc gia Malaysia (Ma-lai-xi-a) mang số hiệu MH370 chở 239 hành khách và phi hành đoàn trên hành trình từ Kuala Lumpur (Cu-a-la Lăm-pơ) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) bị mất tích ngày 8-3 đến nay vẫn chưa phát hiện được dấu vết nào của chiếc máy bay này. 12 nước tích cực tham gia tìm kiếm, trong đó có Việt Nam. Dư luận nhiều nước đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích trên tinh thần quốc tế, chia sẻ và trách nhiệm cao trước một vụ việc mang tính nhân đạo liên quan nhiều quốc gia.

3. Nhân kỳ họp thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva (Giơ-ne-vơ)-Thụy Sĩ hôm 12-3, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác đã phát biểu tại phiên đối thoại với các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về “Tự do tôn giáo và tín ngưỡng” và về “Bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong chống khủng bố”. Đại sứ Nguyễn Trung Thành hoan nghênh các nỗ lực của Hội đồng nhân quyền và các Báo cáo viên LHQ về tinh thần hợp tác, đối thoại xây dựng và tăng cường hiểu biết giữa các quốc gia cũng như nỗ lực của cộng đồng quốc tế về thúc đẩy, phát triển hài hòa các tôn giáo trên thế giới, góp phần bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tín ngưỡng… và nhấn mạnh, các biện pháp chống khủng bố phải phù hợp, tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ, Luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đặc biệt là quyền được sống, quyền bảo mật thông tin cá nhân và bình đẳng trước pháp luật.