Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người ăn xin lang thang trên phố, nhất là tại các khu vực công cộng như chợ, quán ăn vỉa hè, bệnh viện, các chốt đèn xanh, đèn đỏ, siêu thị, công viên… Có nhiều lý do để ăn xin, vì tuổi cao sức yếu, bênh tật không có khả năng lao động, không có người thân chăm sóc nuôi dưỡng, vì hoàn cảnh khó khăn… đi ăn xin đã đành, nhưng cũng còn tồn tại những trường hợp chây lười lao động xem việc ăn xin như một nghề để mưu sinh.
Người ăn xin trên đường phố Trần Quang Diệu
Tại các khu mua sắm lớn của tỉnh như chợ Phan Rang, (phường Kinh Dinh) và chợ Thanh sơn, (phường Thanh Sơn) Tp Phan Rang- Tháp Chàm, ước tính mỗi ngày có hơn 20 trường hợp ăn xin hành nghề. Người tật nguyền, già cả thì ngồi trước cổng chợ, cầu thang lên xuống với vẻ rất đáng thương cảm để tạo lòng trắc ẩn của mọi người. Một số người có khả năng đi lại thì luồn lách vào các quầy bán hàng để xin tiền của người mua hàng. Điều đáng nói là thái độ đeo bám, níu kéo, nài nỉ của những người ăn xin đã làm cho không ít khách hàng khó chịu mỗi khi đến chợ mua hàng.
Ông Lê Văn Sơn, phó Ban quản lý chợ Phan Rang cho biết: “Thời gian qua các cơ quan chức năng cũng có nhiều biện pháp để quản lý nhưng tình trạng người ăn xin vẫn còn tồn tại, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, một số người giả dạng bán vé số để xin tiền, khiến chúng tôi cũng khó xử lý”.
Không chỉ ban ngày, về đêm người ăn xin cũng ra đường hành nghề. Họ tập trung vào các trung tâm vui chơi giải trí hoặc những con đường người dân thường đi lại để xin tiền. Hình ảnh kẻ rách rưới, tàn tật, người nheo nhóc con nhỏ chìa tay ỉ ôi xin tiền, để lại ấn tượng không đẹp đối với du khách, tỉnh ta đang phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai.
Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ các địa phương, các ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp nhằm hạn chế đối tượng ăn xin, để Ninh Thuận ngày càng văn minh lịch sự, tạo ấn tượng thân thiện trong lòng du khách và người dân trong tỉnh.
Như Tuyết