"Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh"

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: trước khi Đại tướng lên đường đi chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã dặn Đại tướng: "Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hạ tuần tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 - 1954. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch; Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng; Lê Liêm là Chủ nhiệm Chính trị; Đặng Kiến Giang là Chủ nhiệm Cung cấp.

Ngày trước khi lên đường ra mặt trận, tại thủ đô kháng chiến đóng ở Tân Trào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới chào Bác Hồ.

Bác Hồ hỏi Đại tướng:

– Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?

Đại tướng trả lời:

– Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ trở ngại là ở xa khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.

Nghe vậy, Bác Hồ nói luôn với Đại tướng:

– Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại". Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.

Khi chia tay, Bác Hồ nhắc Đại tướng:

– Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

Đại tướng cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng nề…

Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp
trước khi Đại tướng lên đường đi chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
(Ảnh: tư liệu TTXVN)

Ngày 5/1/1954, Đại tướng và một bộ phận cơ quan chỉ huy lên đường đi Tây Bắc bằng xe ô tô con. Cùng đi có đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc…. Từ Tân Trào đến Điện Biên Phủ chưa đầy 1.000km, nhưng vì phải hành quân trong điều kiện giữ bí mật, đường xá khó khăn, quân địch thường xuyên đánh phá, nên phải hơn một tuần sau Đại tướng mới tới được Sở Chỉ huy chiến dịch tại Điện Biên.

Ngay sau khi đến Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 14/1/1954, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu đều có mặt. Những tư lệnh quân sự: Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long, Quang Trung, Cao Văn Khánh... Những chính ủy: Chu Huy Mân, Trần Đội, Phạm Ngọc Mậu... Và nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đã cùng chiến đấu qua rất nhiều chiến dịch.

Thời gian nổ súng dự định vào ngày 20/1/1954, nhưng đã phải lui lại năm ngày. Lý do là sau bảy đêm, pháo vẫn chưa tới được vị trí quy định. Chúng ta chưa lường hết trở ngại khi dùng sức người kéo những khối thép nặng hai tấn, qua những dốc cao 30 - 40 độ, có chỗ lên tới 60 độ, lại bị máy bay và pháo địch cản trở. Trong khi kéo pháo, có những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh thân mình để cứu pháo khỏi lăn xuống vực sâu.

Bộ đội kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: tư liệu TTXVN)

Sau nhiều ngày đêm chật vật, những khẩu pháo đã tới gần trận địa dã chiến. Thời gian nổ súng được quyết định là 17 giờ ngày 25/1/1954. Gần ngày N., một chiến sĩ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ phận thông tin kỹ thuật của ta nghe địch thông báo cho nhau qua điện đài về ngày giờ tiến công của bộ đội ta. Diễn biến đầu tiên ngoài dự kiến. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng 24 tiếng, và phân công cán bộ đi nắm lại tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.

Suốt đêm 25/1/1954, Đại tướng đã không ngủ. Rất nhiều khó khăn đã dần lộ ra trong suy nghĩ của Đại tướng, trong đó có ba khó khăn hiện lên rất rõ.

Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, nhưng vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều.

Thứ hai, trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hợp đồng binh chủng bộ binh pháo binh với quy mô lớn lần đầu mà lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào!

Thứ ba, bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dự ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ca trên một cánh đồng dài 18 km và động 6 - 8 km.

Đến đây thì Đại tướng đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh. Vấn để tiếp tế khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này. Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch. Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Lúc này, Đại tướng cảm thấy như cả tháng đã trôi qua. Nhưng tính lại từ khi trao nhiệm vụ chiến đấu tới đó, chỉ mới có mười một ngày. Mỗi ngày, Đại tướng càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và Nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai Đại tướng: "Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn"!

Vậy là sau một đêm thức trắng, với tầm nhìn chiến lược của một người chỉ huy quân sự thiên tài, với trách nhiệm trước biết bao tính mạng và sương máu của bộ đội, với trách nhiệm của một người được Bác Hồ tin tưởng giao cho trọng trách "Tướng quân tại ngoại"… Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển từ phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Giờ nổ súng của chiến dịch đã được lùi tới tận ngày 13/3/1954, với trận mở màn đánh cứ điểm Him Lam...

Kết quả là ngày 7/5/1954, sau 55 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn…", chúng ta đã "Chín năm là một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng !".

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

-----------------------

Nguồn tham khảo:

- "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- "Điện Biên Phủ - tuyển tập hồi ký (trong nước)". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- Hồi ký "Điện Biên phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- Lịch sử Quân sự Việt Nam.