Tuy nhiên vẽ và phân tích biểu đồ, bảng số liệu như thế nào lại chưa được dạy trong trường phổ thông một cách thật bài bản. Những kỹ năng ấy chủ yếu hình thành khi giáo viên kết hợp trong các bài giảng hoặc trong quá trình thực hành một số bài tập của bộ môn Địa lý. Nhằm giúp các em có cái nhìn mang tính hệ thống, có thể áp dụng trong các kỳ thi sắp tới và cũng có thể phục vụ các em trong quá trình học tập, công tác sau này, tôi xin trình bày những nét cơ bản nhất khi lựa chọn biểu đồ, cách thể hiện và những bước cần thiết để phân tích, nhận xét biểu đồ hoặc bảng số liệu như sau:
I) Các dạng biểu đồ cơ bản: (Thường sử dụng trong chương trình phổ thông)
1. Biểu đồ cột.
2. Biểu đồ đường, chùm đường
3. Biểu đồ miền, cột chồng.
4. Biểu đồ hình tròn.
5. Biểu đồ kết hợp.
II) Lựa chọn biểu đồ:
1. Nếu đề bài yêu cầu rõ dạng biểu đồ thì bắt buộc phải vẽ đúng dạng biểu đồ đó. (Các em sẽ không được điểm khi vẽ các dạng biểu đồ khác trong khi thi).
2. Nếu đề bài không yêu cầu rõ dạng biểu đồ (Vẽ biểu đồ thể hiện...; vẽ biểu đồ thích hợp nhất...): Chúng ta cần căn cứ yêu cầu câu hỏi, dạng số liệu để chọn biểu đồ.
a. Căn cứ vào yêu cầu vẽ biểu đồ của câu hỏi:
- Thể hiện giá trị, sản lượng qua các năm: Nên dùng biểu đồ cột.
- Thể hiện quá trình phát triển, tốc độ tăng trưởng: Nên dùng biểu đồ đường, chùm đường.
- So sánh hai hoặc nhiều đối tượng cùng dạng số liệu: Sử dụng biểu đồ cột ghép.
- So sánh hai hoặc nhiều đối tượng khác dạng số liệu: Kết hợp biểu đồ cột với biểu đồ đường.
- Thể hiện cơ cấu qua ít mốc thời gian: sử dụng biểu đồ hình tròn; qua nhiều mốc thời gian: Sử dụng biểu đồ miền, hoặc cột chồng.
b. Căn cứ dạng số liệu câu hỏi đã cho:
- Số liệu tuyệt đối (số lượng, giá trị…): nếu có sự thay đổi tương đối đều (tăng, giảm dần đều) hoặc số liệu theo các mốc thời gian liên tục nên vẽ biểu đồ đường. Số liệu tăng giảm bất thường, khoảng cách thời gian từng giai đoạn lớn, không đều, nên vẽ biểu đồ dạng cột.
- Số liệu tương đối (%,‰), thể hiện cơ cấu của một hoặc hai thời điểm: vẽ biểu đồ hình tròn; nhiều thời điểm: vẽ biểu đồ cột chồng hoặc biểu đồ miền. Nếu là số liệu thể hiện tốc độ tăng trưởng: vẽ biểu đồ đường hoặc chùm đường.
c. Xử lý số liệu trước khi vẽ: Trong một số trường hợp ta cần xử lý số liệu trước khi vẽ biểu đồ khi:
- Đề bài cho số liệu gián tiếp, yêu cầu tính toán, rồi mới vẽ.
- Số liệu cho là số liệu tuyệt đối mà yêu cầu đề bài vẽ biểu đồ tròn, cơ cấu: phải đổi số liệu sang dạng tương đối (%).
- Vẽ biểu đồ hình tròn mà giá trị hai thời điểm có sự chênh lệch – cần tính bán kính hai đường tròn tương ứng nếu đề yêu cầu (Trong khi thi tốt nghiệp, nếu đề không yêu cầu tính bán kính hai đường tròn thì khi vẽ, năm nào có giá trị lớn hơn cần biểu hiện bằng đường tròn có diện tích lớn hơn).
Cách tính bán kính đường tròn khi vẽ 2 biểu đồ hình tròn thể hiện 2 mốc thời gian:
Đặt N1 là số liệu năm thứ nhất biểu hiện bằng đường tròn có diện tích S1, bán kính r1.
Đặt N2 là số liệu năm thứ nhất biểu hiện bằng đường tròn có diện tích S2, bán kính r2.
Giả sử ta tính được r2 = 1,3r1. Nếu vẽ đường tròn S1 với bán kính 2cm thì đường tròn S2 phải có bán kính 1,3 x 2 = 2,6cm.
III) Các thành phần của 1 biểu đồ:
- Tiêu đề biểu đồ.
- Hình vẽ biểu đồ:
+ Với biểu đồ cột, đường, miền: trục toạ độ, đơn vị tính của mỗi trục, các cột, đường hoặc ký hiệu biểu diễn giá trị, số liệu trên các cột, đường, miền biểu diễn tương ứng các mốc thời gian…
+ Với biểu đồ hình tròn: mốc thời gian, các thành phần biểu diễn chia theo tỷ lệ trong hình tròn, số liệu và ký hiệu phân biệt...
- Chú giải (Khi có từ hai dạng ký hiệu trở lên để thể hiện các đối tượng địa lý).
IIV) Phân tích, nhận xét một biểu đồ:
- Trước hết ta phải hiểu rõ câu hỏi đề nắm được mục đích phân tích.
- Đọc ghi chú để nắm được các đối tượng địa lý thể hiện, lãnh thổ (địa điểm) thể hiện, thời gian thể hiện.
- Xem biểu đồ hình gì, kiểu giá trị các đối tượng địa lý được thể hiện; đơn vị khoảng cách trên biểu đồ.
- Dựa vào các đơn vị đo đã được ghi trên biểu đồ, tiến hành đo tính; đối chiếu, so sánh chúng với nhau; rút ra những nhận xét, kết luận cần thiết.
(Khi phân tích, thực hiện theo các bước phân tích nhận xét bảng số liệu sau đây)
V) Phân tích, nhận xét bảng số liệu
Khi phân tích bảng số liệu cần theo các bước sau:
- Nắm chắc yêu cầu của câu hỏi, bài tập.
- Đọc tên, tiêu đề bảng, đơn vị tính, hiểu rõ các tiêu chí cần nhận xét
- So sánh số liệu theo hàng, cột. Chú ý so sánh mốc thời gian đầu, cuối; các mốc thời gian liền kề; các mốc thời gian có tính đột biến; so sánh các lãnh thổ tương đương về diện tích, lớn với nhỏ và ngược lại.
- Trong một số trường hợp cần phải tính toán bảng số liệu trước khi nhận xét (VD: bảng là số liệu tuyệt đối, yêu cầu lại là nhận xét cơ cấu; bảng cho số liệu gián tiếp, yêu cầu nhận xét số liệu trực tiếp…)
Để tránh sót ý khi phân tích cần lưu ý:
- Nắm rõ yêu cầu, phạm vi phân tích nhận xét, phát hiện những yêu cầu chủ đạo.
- Tái hiện các kiến thức cơ bản liên quan.
- Việc phân tích, thông thường theo các bước sau:
+ Từ khái quát đến cụ thể, từ chung đến riêng, từ cao xuống thấp; tổng quát trước rồi mới đi sâu phân tích các thành phần hoặc yếu tố cụ thể. Mỗi nhận xét có dẫn chứng để tăng sức thuyết phục.
+ Phát hiện các mối liên hệ giữa cột và hàng, chú ý các giá trị nổi bật (lớn nhất, nhỏ nhất, đột biến). So sánh cả giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.
VI) Một số lỗi thường mắc khi làm bài, các em cần tránh:
1. Khi vẽ biểu đồ:
- Vẽ không đúng dạng biểu đồ theo yêu cầu của đề bài.
- Biểu đồ không đầy đủ các thành phần.
- Việc phân chia các đơn vị thời gian, giá trị thể hiện trên các trục không đúng.
- Ký hiệu thể hiện với phần chú giải không khớp nhau.
- Nhầm lẫn các số liệu giá trị với các mốc thời gian.
2. Khi phân tích biểu đồ hoặc bảng số liệu:
- Thực hiện không theo các bước gợi ý nêu trên nên thiếu ý, sót ý. (Học sinh thường chỉ tập trung vào những nhận xét chi tiết mà quên những nhận xét mang tính tổng thể).
- Thiếu số liệu minh họa hặc minh họa không mang tính thuyết phục (thường là đọc, ghi lại số liệu mà không có tính toán, so sánh, đối chiếu các số liệu giữa các môc thời gian, các đối tượng thể hiện).
- Không nêu rõ được các mối liên hệ giữa các đối tượng thể hiện.
Trên đây là những gợi ý cơ bản áp dụng với các dạng biểu đồ thường dùng, những lưu ý khi phân tích, nhận xét biểu đồ và bảng số liệu. Các em cần lưu ý, để giải quyết tốt các câu hỏi, chúng ta cần kết hợp với những kiến thức lý thuyết liên quan đã được trang bị, chỉ biết vẽ và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu là hoàn toàn chưa đủ.
Chúc các em thành công.
Hồ Hoài Nam
Sở GDĐT Ninh Thuận