Mũ bảo hiểm chất lượng… dễ bị đánh cắp

(NTO) Kể từ khi Nghị quyết 32 của Chính phủ ra đời năm 2007 thì mũ bảo hiểm (MBH) đã trở thành “người bạn thân thiết” đối với mỗi người sử dụng mô-tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông.

MBH bảo vệ chúng ta.

MBH vẫn được coi là người bạn đường tin cậy của những người lái mô-tô, xe máy khi tham gia giao thông bởi nó có tác dụng bảo vệ, hạn chế tối đa phần chấn thương trên đầu, nhất là chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại MBH với vô vàn các mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Tuy nhiên, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 yêu cầu người lái mô-tô, xe máy phải đội MBH có chứng nhận và dán nhãn theo tiêu chuẩn quốc gia. Do vậy, nhiều người đã có tâm lý “đầu tư” cho mình một chiếc MBH đúng chất lượng để vừa đảm bảo an toàn vừa tránh bị CSGT nhắc nhở, xử phạt.

Nhiều chủ xe để MBH hớ hênh, dễ bị mất cắp.

Theo khảo sát của chúng tôi, sản phẩm MBH của các đơn vị có giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn quốc gia đã được bán trong nhiều nhà sách, hiệu tạp hóa lớn hay trong các showroom mô-tô, xe máy trên địa bàn tỉnh. Riêng ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, nhãn hiệu MBH được bán phổ biến đó là Zeus, Andes, Heros của Công ty TNHH Long Huel, hay Omono, Safe của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhựa Chí Thành, hoặc Honda của Công ty TNHH Srithai Việt Nam… Tùy vào kiểu dáng, kích cỡ như có kính hay không kính, che nửa đầu hay cả đầu, dành cho người lớn hay trẻ em mà giá thành của mỗi chiếc giao động từ 150 - 500 nghìn đồng. Có loại MBH giá thành lên tới cả triệu đồng.

Chúng ta “bảo vệ” MBH.

Với những người thực sự coi trọng vấn đề an toàn khi tham gia giao thông thì việc tự trang bị một chiếc MBH đúng chất lượng với giá thành như trên quả không phải là vấn đề đáng nói. Điều đáng đề cập là, tình trạng trộm MBH chất lượng đang diễn ra làm không ít người phải cố gắng để “bảo vệ lại” chiếc MBH của mình. Không ít người được hỏi cho biết họ đã từng bị mất MBH ở những nơi như: chợ, quán nước, quán ăn, khu vui chơi giải trí… Khu vực thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) là một ví dụ. Chủ quán ăn Long Hoa cho hay: “Quán không có nhân viên giữ xe nên khách hàng thường để xe đối diện bên đường rồi tự “bảo vệ” mũ nên tình trạng mất MBH vẫn thường xảy ra, chúng tôi vẫn chưa bắt được quả tang đối tượng trộm cắp này. MBH bị mất đều là MBH “xịn” và được khách mắc sơ hở vào tay lái, trên móc treo ở thân xe hoặc để ngay trên yên xe. Anh Phan Đức Đình, ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) chia sẻ: “Tôi đã 2 lần bị mất MBH khi mắc trên xe. Bất đắc dĩ phải mua tạm chiếc mũ “dởm” để có thể lái xe về nhà vì gần đó không bán MBH chất lượng”. Ngay cả ở những nơi có bảo vệ trông xe, nếu không cẩn thận thì khách vẫn có thể bị mất MBH do hầu hết các bảo vệ đều đưa ra lý do: “Chúng tôi chỉ trông xe, còn các loại tư trang, MBH thì khách phải tự bảo quản”. Điều đó lý giải việc chúng ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người vào thăm người thân ở bệnh viện, đi mua sắm ở chợ/siêu thị… mà vẫn “khư khư” chiếc MBH trên tay hoặc “kè kè” đội nó trên đầu.

Tuy giá trị tài sản không lớn nhưng mất MBH đồng nghĩa với việc mất quyền tham gia giao thông bằng xe máy. Để hạn chế tình trạng mất MBH thì mỗi người phải biết tự cảnh giác và mạnh dạn tố giác khi phát hiện kẻ trộm hay những nơi tiêu thụ MBH có được do trộm cắp với các cơ quan chức năng.