Người dân vẫn “dè dặt” với các sản phẩm từ gia cầm

(NTO) Sau thời gian “tạm lắng”, hiện nay, tình hình tiêu thụ thịt, trứng gia cầm tại các chợ trong tỉnh đang dần ổn định trở lại, tuy nhiên sức mua vẫn chưa nhiều. Người dân ngày càng có ý thức hơn về việc sử dụng các loại gia cầm, cũng như đề phòng dịch cúm gia cầm (A/H5N1).

Chị Phượng, tiểu thương bán thịt vịt tại chợ Thanh Sơn (Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Gần đây tuy sức mua gia cầm có “khả quan” hơn nhưng vẫn còn ế lắm, số vịt bán ra cũng được 5-7 con/ngày. Còn bà Nguyễn Thị Lộc, chủ cơ sở giết mổ gia cầm tại xã Thành Hải (Phan Rang- Tháp Chàm) tỏ ra phấn khởi: Mấy ngày nay, khách hàng đến cơ sở đặt gà, vịt làm sẵn đã tăng lên. Có hôm bán được 50 con vịt so với gần cả tháng trước đó, trung bình mỗi ngày khoảng 20-30 con là cùng.

Các quầy bán thịt gia cầm tại chợ Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
vẫn còn vắng khách hàng.

Tính đến thời điểm hiện nay cũng đã gần được 21 ngày kể từ khi tỉnh ta công bố dịch cúm gia cầm (A/H5N1) tại xã Phước Thái (Ninh Phước), chưa phát hiện thêm ổ dịch mới, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn tỏ ra hết sức dè dặt, cẩn thận khi lựa chọn thịt gia cầm tươi sống. Chị Nguyễn Ngân Hà, mua hàng tại chợ Phan Rang cho biết: Trước đây, mỗi tuần, trong mâm cơm gia đình 1- 2 bữa có món thịt gà. Theo sở thích của chồng con, tôi chỉ mua gà còn sống rồi nhờ người bán giết mổ tại chỗ để thịt được tươi ngon. Nhưng từ khi nghe có dịch cúm gia cầm, cả nhà tôi “tẩy chay” luôn thịt gà, vịt. Thấy tình hình dịch có vẻ lắng xuống nên hôm nay tôi mới đi mua trở lại, nhưng không dám mua gà sống nữa mà chỉ mua gà làm sẵn, có dấu kiểm dịch cho yên tâm.

Chính vì người tiêu dùng có tâm lý sợ lây nhiễm cúm (A/H5N1), nên hiện tại các điểm bán gà, vịt sống trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm vẫn còn ế ẩm. Anh Lợi, tiểu thương mua bán, giết mổ gia cầm tại chợ Phan Rang cho biết: Bình thường, mỗi ngày chỗ tôi bán được hơn 50 con gà. Tuy nhiên thời gian qua có ngày không có khách hàng nào đến hỏi mua, nên tôi cũng không dám mua trữ gà mà chỉ bán cho những khách hàng đến đặt trước với số lượng cụ thể. Gà lấy về bán cũng phải có chứng nhận xuất xứ rõ ràng.

Còn tại thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), địa phương đã từng xuất hiện dịch cúm gia cầm (A/H5N1) đến nay lượng khách đến mua thịt gia cầm cũng đã dần tăng lên. Chị Lê Thị Hiền (khu phố 3, thị trấn Tân Sơn), chủ một điểm giết mổ gia cầm, cho biết: Khoảng đầu tháng 2, lượng tiêu thụ gia cầm giảm nhiều, nhưng hơn một tuần trở lại đây sức mua của người dân đang bình thường trở lại. Để bảo đảm cho sức khỏe, các “bà nội trợ” cũng rất ý thức trong việc chọn mua sản phẩm gia cầm.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù sức tiêu thụ giảm, nhưng giá thịt gà, vịt làm sẵn, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y vẫn không hề giảm, như vịt có giá 100.000-120.000 đồng/con; gà giá từ 120.000-150.000 đồng/con tùy trọng lượng. Bà Nguyễn Thị Lộc, chủ cơ sở giết mổ gia cầm tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Nếu khách hàng ít, chúng tôi giảm số lượng gà, vịt giết mổ chứ không giảm giá bán ra. Vì nếu giảm giá chắc chắn sẽ “lỗ to” vì giá thóc, bắp, thức ăn gia cầm không hề giảm. Riêng giá gà, vịt còn sống lại giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg; trứng gà, vịt giảm từ 3.000-4.000 đồng/chục.

Nhằm phòng ngừa và dập dịch hiệu quả, thời gian qua, Chi cục Thú y đã rốt ráo thực hiện mọi biện pháp như: kiểm tra, giám sát tại các hộ chăn nuôi; tuyên truyền, vận động bà con không nuôi gia cầm thả rông, không ăn thịt gia cầm bị bệnh..., đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình mua bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ. Ông Huỳnh Văn Hảo, Trạm trưởng Thú y Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Liên tục hơn nữa tháng nay, Trạm Thú y thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm mua bán, giết mổ thịt, trứng gia cầm tại các chợ. Nhìn chung tình trạng giết mổ gia cầm sống hầu như không còn. Các điểm bán cũng đã trình giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm khi được yêu cầu. Tuy nhiên, Trạm vẫn tiếp tục chỉ đạo các xã, phường tăng cường giám sát, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người bán hàng và người tiêu dùng, tránh tình trạng giết mổ lén lút.

Theo lời khuyên của cán bộ thú y, người tiêu dùng cũng không cần quá “khắt khe” với sản phẩm thịt gia cầm, bởi nếu sáng suốt, biết phân biệt, chọn sản phẩm sạch như: đối với gà, vịt đã làm sẵn, thịt vẫn còn hồng tươi, da sáng; gà, vịt còn sống khỏe mạnh nhìn nhanh nhẹn, mắt sáng… và đặc biệt phải có dấu kiểm dịch của thú y, có xuất xứ rõ ràng… và nấu chín kỹ thì có thể sử dụng thịt gia cầm.