Đồng chí Nguyễn Ngọc Trường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngoài việc tiến hành tiêu hủy gia cầm bệnh, triển khai cắm biển báo vùng có dịch, địa phương còn thành lập 2 tổ công tác thực hiện luân phiên việc giám sát tại tất cả 8 thôn và tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tại địa điểm xảy ra ổ dịch, với tần suất phun xịt 3 lần/tuần và nơi chôn lấp tiêu hủy gia cầm 1 lần/tuần. Cùng với đó, địa phương còn chỉ đạo Ban quản lý các thôn thường xuyên thông báo trên hệ thống truyền thanh để nhân dân và người chăn nuôi biết về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Nếu phát hiện có gà, vịt bỏ ăn, hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh, yêu cầu các hộ chăn nuôi phải báo ngay cho Ban quản lý thôn, hoặc Thú y xã qua đường dây nóng 068.3965.015 hoặc 0908.611.998. Bằng cách làm này, hiện người dân trong xã đã ý thức hơn, không còn tình trạng bán chạy gia cầm và vứt bừa bải xác gia cầm chết xuống kênh mương làm ô nhiễm môi trường.
Anh Vạn Ngọc Lễ, cán bộ Thú y xã Phước Thái cắm lại biển báo
nơi xảy ra dịch cúm gia cầm tại thôn Như Bình.
Theo đánh giá của ngành Thú y tỉnh, nhờ thực hiện công tác phòng ngừa và dập dịch hiệu quả, nên có thể nói đến nay dịch cúm gia cầm (H5N1) trên địa bàn thôn Như Bình đang dần được không chế. Sau 18 ngày kể từ khi có công bố dịch đến nay chưa phát hiện thêm ổ dịch mới nào xảy ra. Tuy nhiên, điều mà chính quyền và nhân dân lo nhất hiện nay, đó là hiện số lượng đàn gia cầm trên địa bàn xã tương đối lớn, với trên 8.000 con gà và hơn 33.000 con vịt, nhưng hầu hết chưa được tiêm phòng vắc-xin. Nguyên nhân là do người dân còn tâm lý chờ sự hỗ trợ của Nhà nước như những năm trước, phần vì sợ tiêm ngừa làm gia cầm chậm phát triển!
Một vấn đề đáng lo ngại nữa, đó là hiện nay dọc theo hai bên bờ kênh Nam, đoạn qua địa bàn xã Phước Thái, nơi bùng phát dịch cúm A/H5N1 có rất nhiều hộ dân đang chăn nuôi vịt với quy mô lớn. Cũng chung dòng nước này, người dân lại sử dụng để tắm rửa, giặt giũ. Mặt khác, do địa phương không thành lập các điểm chốt chặn, một số đối tượng từ các xã khác còn mổ gia cầm rồi mang vào địa bàn xã Phước Thái để bán. Còn tại điểm tiêu hủy gia cầm và nơi xảy ra ổ dịch, dù địa phương đã tuân thủ nghiêm ngặt trong việc khoanh vùng, làm biển báo cấm vào, nhưng theo phản ánh của một số người dân, những biển báo tại các ổ dịch thường xuyên bị những người dân thiếu ý thức đập phá.
Để giúp địa phương chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, ngoài việc chỉ đạo lực lượng Thú y phối hợp với Trạm Y tế xã và các đoàn thể địa phương thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vị phạm, huyện Ninh Phước còn cấp cho xã Phước Thái 29.000 liều vắc – xin cúm gia cầm H5N1 Re-6. Với số thuốc này, địa phương đã sử dụng gần 20.000 liều ưu tiên tiêm xong cho trên 12.000 con gà, vịt của 13 hộ nuôi nằm sát vùng dịch. Số vắc – xin còn lại sẽ tiếp tục triển khai tiêm cho khoảng 4.200 con gà còn lại của các hộ dân trong xã những ngày tới.
Anh Vạn Ngọc Lễ, cán bộ Thú y xã cho biết: Do lượng vắc – xin cúm gia cầm H5N1 Re-6 chỉ cấp có hạn, nên giải pháp hiện nay của địa phương là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi chủ động trong việc mua thuốc về tiêm phòng cho gia cầm để cách ly tốt các nguồn lây và đã được nhiều người dân thực hiện. Anh Đổng Nhị Hổ ở thôn Hoài Trung cho biết: Khi nghe tin dịch cúm gia cầm bùng phát tại địa phương, ngoài việc chủ động phun thuốc tiêu độc khử trùng, anh còn liên hệ cán bộ Thú y xã đến kiểm tra và tiến hành tiêm phòng vắc –xin ngừa H5N1, nhờ đó đàn gà 600 con của tôi hiện nay vẫn khỏe mạnh.
Với tinh thần triển khai phòng, chống dịch khẩn cấp theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay cùng với tăng cường giám sát chặt chẽ tại các ổ dịch, xã Phước Thái còn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không vận chuyển, giết mổ, buôn bán và tiêu thụ thịt gia cầm khi chưa công bố hết dịch. Cùng với đó, địa phương đang tổ chức kiểm tra, thống kê lại danh sách số hộ, số lượng gia cầm bị tiêu hủy, sau khi tỉnh công bố hết dịch sẽ làm các bước thủ tục để các hộ có gia cầm bị tiêu hủy được nhận hỗ trợ theo quy định.
Văn Thanh