|
Đồng chí Trần Anh Việt Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. |
Phóng viên: Đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 năm 2014?
- Đồng chí Trần Anh Việt: Như chúng ta đã biết, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN đã được thực hiện từ năm 1999 đến nay. Năm 2014, với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, mục đích của nội dung này là tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, tăng cường trách nhiệm, ý thức về công tác bảo hộ lao động; hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và của công dân, góp phần ổn định, phát triển KT-XH.
Phóng viên: Như vậy, trọng tâm của Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 là những hoạt động chính nào?
- Đồng chí Trần Anh Việt: Để chuẩn bị cho Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 631/KH-UBND ngày 13-2-2014 để triển khai hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với một số hoạt động diễn ra trước Tuần lễ, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các thông điệp cảnh báo về ATVSLĐ-PCCN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề tại các DN có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ. Đồng thời, xét khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ-PCCN năm 2013.
Trong Tuần lễ chính, tổ chức lễ phát động, tổ chức các hội thao, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật an toàn và PCCN, thao diễn cấp cứu người bị tai nạn lao động trong các đơn vị, DN, các cơ sở sản xuất-kinh doanh. Tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ- PCCN cho người sử dụng lao động và người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tư vấn, hỗ trợ các DN, người quản lý các cơ sở , làng nghề áp dụng hiệu quả các giải pháp về kỹ thuật ATVSLĐ-PCCN; thăm một số nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thăm, động viên DN, cơ sở sản xuất-kinh doanh điển hình thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN. Tổ chức văn nghệ quần chúng lồng ghép nội dung công tác ATVSLĐ – PCCN.
Sau Tuần lễ, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ-PCCN; bồi dưỡng nghiệp vụ về ATVSLĐ và duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ. Trong đó, quan tâm nhất vẫn là công tác ATVSLĐ-PCCN ở các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như các chợ, các cơ sở sản xuất và môi trường thường xảy ra tai nạn lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản… Ngoài ra, tăng cường kiểm tra đôn đốc các đơn vị sản xuất có tính ngành nghề độc hại để có chính sách bồi dưỡng độc hại như: khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, chăm lo cải thiện điều kiện lao động, góp phần duy trì ổn định sức khỏe cho người lao động.
Phóng viên: Để Tuần lễ diễn ra đúng như kế hoạch, đồng chí có đề xuất, kiến nghị gì?
- Đồng chí Trần Anh Việt: Để triển khai thành công các hoạt động diễn ra trong Tuần lễ, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành; các địa phương và DN đa dạng hình thức thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động. Đặc biệt, đối với các chợ lớn, bệnh viện, kho xăng, gas; các DN, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: khai thác khoáng sản, sử dụng điện, xây dựng, hoá chất... cần tập trung cải thiện điều kiện làm việc; tự kiểm tra, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tai nạn lao động tại phân xưởng, tổ, đội sản xuất. DN ký cam kết với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN, tiến tới hình thành văn hoá an toàn lao động, giảm thiểu tai nạn và bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.
Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí.
Xuân Bính (thực hiện)